Ông Kim Văn Tiêu - PGĐ Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phát biểu tại hội thảo

Tham dự hội thảo có lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An, Sóc Trăng; đại diện Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường (Bộ NN&PTNT), Tổng cục Thủy sản; hơn 200 đại biểu đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Khuyến nông và nông dân tiêu biểu trong nghề nuôi tôm thuộc các tỉnh: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nghệ An, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận và các tỉnh ven biển miền Tây Nam Bộ cùng đại diện các hội, hiệp hội, chuyên gia thủy sản và một số doanh nghiệp.

Ông Kim Văn Tiêu – Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, bà Đinh Thị Phương Khanh – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Vĩnh Long, ông Trần Đình Luân – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Sóc Trăng đồng chủ trì Hội thảo.

Toàn cảnh buổi hội thảo

Trong 3 năm triển khai (2014 - 2016), dự án nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng theo VietGAP đã triển khai xây dựng 30 mô hình, với tổng quy mô 64 ha. Trong đó 26 mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng theo VietGAP (quy mô 52 ha) và 4 mô hình nuôi tôm sú theo VietGAP (quy mô 12 ha).

Kết quả mô hình, năng suất tôm thẻ đạt trung bình đạt 10,9 tấn/ha, năng suất tôm sú 2,6 tấn/ha, hiệu quả kinh tế trung bình 500 - 600 triệu/ha,cao hơn mô hình không áp dụng VietGAP từ 30-35%. Đã có 16 cơ sở được các tổ chức độc lập cấp giấy chứng nhận về nuôi tôm theo VietGAP với quy mô dự kiến 24 ha. Qua hội thảo, các chuyên gia cũng nhận định áp dụng quy trình VietGAP vào nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng mang lại hiệu quả cao, hạn chế được tình hình dịch bệnh, tạo sản phẩm sạch, an toàn phục vụ được thị trường trong nước và xuất khẩu.

Trong chương trình của hội thảo, các đại biểu đã đến tham quan mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng đạt giấy chứng nhận VietGAP do Trung tâm Chuyển giao công nghệ và dịch vụ thủy sản Việt Nam – Hội Nghề cá cấp tại xã Thuận Mỹ, Châu Thành, tỉnh Long An. Ông Nguyễn Quốc Việt (ấp Bình Thới 2) - hộ tham gia mô hình cho biết, sau 70 ngày nuôi tôm đạt 50 con/kg, dự kiến năng suất đạt 11,5 tấn/ha, lợi nhuận gần 500 triệu/ha.

Các đại biểu tham quan mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng theo VietGAP tại xã Thuận Mỹ, huyện Châu Thành, tỉnh Long An

Ông Hồ Văn Lê - xã Thuận Mỹ, huyện Châu Thành, tỉnh Long An chia sẻ: Sau 7 lần nuôi thất bại, đang nợ các đại lý gần 400 triệu đồng, năm 2016, ông được dự án hỗ trợ nuôi tôm thẻ chân trắng theo VietGAP với quy mô 0,4ha. Ngoài diện tích nuôi được dự án hỗ trợ, ông đã tiến hành nuôi thêm 1 ao, quy mô 0,3 ha cũng áp dụng quy phạm VietGAP. Hiện, ông đã thu hoạch toàn bộ. Kết quả sau 70 ngày nuôi, tôm thu hoạch trung bình 55 con/kg, cả 2 ao nuôi đều thắng lợi 100%, thu lời gần 300 triệu đồng. Ông cho biết thêm: “Mình vẫn dùng các loại thuốc, hóa chất đấy để cải tạo, xử lý môi trường nhưng nuôi theo quy phạm VietGAP, mình biết xử lý trong trường hợp nào, như thế nào, dùng hay không dùng cái gì, có ghi chép lại nên chi phí nuôi đã giảm nhiều mà không lo dịch bệnh xảy ra”.

Kết luận tại hội thảo, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia Kim Văn Tiêu khẳng định: Nuôi tôm sú, tôm chân trắng theo tiêu chuẩn VietGAP là hướng đi tất yếu, đáp ứng các tiêu chuẩn trong nước và quốc tế về an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh, an toàn môi trường và an sinh xã hội. Nếu áp dụng đúng theo quy phạm VietGAP dịch bệnh sẽ giảm đi, hiệu quả kinh tế tăng lên. Việc ghi chép bước đầu còn khó khăn nhưng nếu thành thói quen sẽ dễ dàng hơn, người dân rút ra được nhiều kinh nghiệm nuôi trong quá trình ghi chép. Người dân cần liên kết lại thành các tổ hợp tác, hợp tác xã sẽ giảm được chi phí, cùng làm ra sản phẩm VietGAP với số lượng lớn giúp giá bán sẽ cao hơn. Nhà nước sẽ tiếp tục có nhiều chính sách hỗ trợ người dân áp dụng theo VietGAP trong thời gian tới.

Lê Ngọc Quân

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia