Nội dung cụ thể như sau:

1.Thực hiện nghiêm túc thông báo số 6194/TB-BNN-VP ngày 14/8/2018, V/v Kết luận của Thứ trường Lê Quốc Doanh tại Hội nghị Sơ kết sản xuất Hè Thu 2018 và triển khai kế hoạch sản xuất Thu Đông, Mùa 2018 tại các tỉnh Nam bộ, chỉ được gieo trồng lúa Thu Đông trong vùng đê bao, bờ bao bảo vệ, kiên quyết không được gieo sạ ngoài vùng đê bao, bờ bao để tránh thiệt hại do lũ gây ra.

Chủ động thu hoạch sớm lúa Hè Thu, nhất là đối với khu vực trũng, thấp không có đê bao

2. Theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ, thông tin đến các cấp chính quyền và người dân, nhất là vùng thấp, trũng ven sông để chủ động các biện pháp phòng tránh, điều chỉnh kế hoạch sản xuất kịp thời. Những vùng thuộc khu vực cặp sông Tiền, sông Hậu phía hạ lưu như Vĩnh Long, cần Thơ, một phần Tiền Giang, Đồng Tháp, Hậu Giang cần lưu ý gia cố các kênh mương, đê bao nội đồng và cần có kế hoạch kiểm tra giám sát thường xuyên để tránh xảy ra ngập úng cục bộ.

3. Đối với lúa Hè Thu:

Chủ động thu hoạch sớm lúa Hè Thu, nhất là đối với những khu vực thấp, trũng không có đê bao, bờ bao bảo vệ.

Diện tích còn lại chưa thu hoạch, cần tiến hành rà soát, tổ chức thu hoạch nhanh, sớm để hạn chế tối thiểu thiệt hại khi lũ đến, với phương châm “Xanh nhà hơn già đồng” nhất là tại các khu vực thuộc vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An, vùng Tứ giác Long Xuyên thuộc 2 tỉnh An Giang và Kiên Giang. Tăng cường huy động các nguồn nhân lực tại địa phưong, quân đội, sinh viên trên địa bàn, các phương tiện, máy móc thu hoạch như: máy gặt đập liên hợp, gặt thủ công để thu hoạch dứt điểm diện tích lúa Hè Thu đã chín nhằm hạn chế đổ ngã, rơi rụng, lúa mọc mầm trên bông làm giảm chất lượng lúa, gạo.

4. Đối với lúa Thu Đông:

Diện tích lúa đã gieo đang trong giai đoạn mạ, đẻ nhánh, một số diện tích đang ở giai đoạn đòng, trổ và chín nên cần tập trung hướng dẫn nông dân thăm đồng thường xuyên, gia cố bờ bao, theo dõi tình hình nguồn nước cung cấp cho sản xuất và kịp thời khắc phục ngập úng cục bộ, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh kịp thời theo từng trà lúa. Thời vụ gieo sạ lúa Thu Đông kết thúc xuống giống trước ngày 20/8, chậm nhất là 30/8/2018.

Diện tích lúa Thu Đông chưa xuống giống: Tiếp tục rà soát những vùng có nguy cơ ngập úng, không an toàn cho sản xuất để điều chỉnh kế hoạch sản xuất và thống kê diện tích xuống giống tự phát của người dân để có giải pháp chỉ đạo, xử lý kịp thời.

Với lũ được dự báo trên BĐ3, sẽ có khoảng 165 nghìn ha lúa Thu Đông bị ảnh hưởng, tập trung chủ yếu ở các địa phương đầu nguồn sông Cửu Long: Đồng Tháp 78 nghìn ha, Kiên Giang 47 nghìn ha, An Giang 13 nghìn ha, Long An 27 nghìn ha, nên thường xuyên thăm đồng và có các biện pháp phù hợp khi lũ đến.

5. Đối với lúa Mùa:

Diện tích lúa đã gieo sạ khoảng 4 nghìn ha, đạt khoảng 2% kế hoạch, cần theo dõi chặt chẽ hệ thống đê bao, cống bọng phục vụ sản xuất.

6. Đối với cây ăn trái:

Những diện tích cây ăn trái trong vùng bị ảnh hưởng lũ, vùng cù lao ven sông cần gia cố đê bao, cống bọng đảm bảo vững chắc ngăn lũ và triều cường.

Những diện tích câv ăn trái trồng mới trong mùa mưa, cần dùng các biện pháp che mưa, chắn gió cho cây, nâng cao liếp trồng.

Lưu ý: Vào mùa mưa, rễ cây ăn trái thường yếu do ngập úng làm đất yếm khí. Mặt khác, mưa nhiều cũng làm sâu bệnh dễ bộc phát, do đó cần bón các loại phân có tỷ lệ dinh dưỡng cân đối. Nếu mưa, lũ làm ngập úng vườn cây, cần nhanh chóng bơm hết nước ra ngoài bờ bao để tránh không cho vườn cây bị ngập kéo dài. Tăng cường bón vôi vào đầu hay cuối mùa mưa, vì vôi có tác dụng giải phóng các dinh dưõng bị keo đất giữ chặt, cung cấp canxi trực tiếp cho cây, làm cho chất lượng trái cây ngon hơn.

7. Đối với cây rau màu: Tính toán mùa vụ gieo trồng phù hợp cho từng loại cây trồng, dự tính thời gian thu hoạch sớm hơn hàng năm đối với từng loại hoa màu từ 15 - 20 ngày để né lũ. Đối với những diện tích rau màu đã trồng (bí, ớt, dưa leo, hành, cà chua...) tranh thủ thu hoạch sớm, nếu bị ngập úng phải tiêu thoát nước nhanh và hướng dẫn nông dân chăm sóc để phục hồi bộ rễ, hạn chế thấp nhất các bệnh héo xanh vi khuẩn, lở cổ rễ...

8. Tăng cường cử cán bộ kỹ thuật xuống cơ sở tuyên truyền, hướng dẫn nông dân các biện pháp kỹ thuật gieo trồng, chăm sóc cây trồng và phòng trừ sâu bệnh để đạt năng suất cao, chất lượng tốt, đảm bảo an toàn thực phẩm trong tình hình lũ đang diễn biến phức tạp tại các tỉnh, thành vùng ĐBSCL.

9. Chủ động đề xuất ủy ban nhân dân các cấp có biện pháp hỗ trợ nông dân kịp thời để khôi phục sản xuất./.

BBT