Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo các đơn vị liên quan thuộc Bộ; đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT các tỉnh Nam bộ; đại diện Hiệp hội Lương thực Việt Nam và một số doanh nghiệp; các cơ quan báo, đài Trung ương và địa phương. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Quốc Doanh và Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Đào Anh Dũng chủ trì Hội nghị.

Hội nghị đã nghe báo cáo của Cục Trồng trọt, Cục Bảo vệ thực vật, Tổng cục Thủy lợi, ý kiến phát biểu của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn vùng Nam bộ, Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long, Hiệp hội Lương thực Việt Nam, đại diện một số Sở Nông nghiệp và PTNT và doanh nghiệp. 

Ngày 31/3/2015, Bộ Nông nghiệp và PTNT ra Thông báo số 2586/TB-BNN-VP về Kết luận của Thứ trưởng Lê Quốc Doanh tại Hội nghị Sơ kết sản xuất lúa vụ Đông Xuân 2014 - 2015 và triển khai kế hoạch sản xuất vụ Hè Thu, Thu Đông, Mùa 2015 tại Nam bộ. Nội dung kết luận như sau:

1. Kết quả sản xuất vụ Đông Xuân 2014 - 2015

Sản xuất lúa vụ Đông Xuân 2014 - 2015 tại Nam bộ tiếp tục được mùa, năng suất lúa dự kiến đạt khoảng 70,6 tạ/ha, tương đương vụ Đông Xuân 2013 - 2014; sản lượng đạt khoảng 11.865 nghìn tấn, thấp hơn vụ Đông Xuân 2013 - 2014 khoảng 64 nghìn tấn, do diện tích lúa giảm khoảng 9.200 ha so với vụ trước, trong đó Đông Nam bộ giảm 4.353 ha; Đồng bằng sông Cửu Long giảm 4.856 ha. Cơ cấu giống đã có chuyển dịch tích cực hơn, nhóm lúa thơm chiếm khoảng 21,7%, nếp 4,7%, lúa gạo trắng chất lượng cao chiếm khoảng 49,5%, lúa chất lượng trung bình (IR50404, OM576...) còn khoảng 24,2%. Liên kết sản xuất đang có chuyển biến rõ nét với sự tham gia tích cực hơn của các doanh nghiệp; diện tích thực hiện cánh đồng lớn đạt trên 130 nghìn ha, trong đó diện tích ký hợp đồng tiêu thụ gần 62 nghìn ha, chiếm khoảng 47%.

Tuy nhiên, công tác giống còn nhiều hạn chế: chất lượng giống nhiều nơi chưa đảm bảo, tỷ lệ sử dụng giống xác nhận thấp, lượng giống gieo sạ quá cao (khoảng 60% diện tích gieo từ 100 - 150 kg/ha, trên 27% diện tích gieo từ 150 - 180 kg/ha). Chất lượng, hiệu quả của liên kết giữa nông dân - doanh nghiệp còn hạn chế, diện tích chuyển đổi vụ Đông Xuân 2014 - 2015 toàn vùng đạt khoảng 6.000 ha (ngô (bắp) 4.400 ha, vừng (mè) 1.500 ha,...), mở rộng diện tích chuyển đổi còn gặp khó khăn ở khâu tiêu thụ,...

2. Triển khai kế hoạch sản xuất vụ Hè Thu, Thu Đông, Mùa 2015

Dự kiến diện tích gieo cấy toàn vùng vụ Hè Thu khoảng 1.818 nghìn ha, vụ Thu Đông khoảng 832 nghìn ha và vụ Mùa 365 nghìn ha. Do ảnh hưởng của Elnino đang làm gia tăng tình hình khô hạn, xâm nhập mặn, ảnh hưởng bất lợ đến sản xuất vụ Hè Thu và các vụ tiếp theo. Để sản xuất vụ Hè Thu, Thu Đông, Mùa 2015 đạt thắng lợi toàn diện, cho năng suất, hiệu quả kinh tế cao, Bộ đề nghị các đơn vị, địa phương tập trung triển khai một số giải pháp cụ thể sau:

a) Sở Nông nghiệp và PTNT các tỉnh Nam bộ

- Xây dựng kế hoạch gieo sạ chi tiết cho từng vụ sản xuất Hè Thu, Thu Đông, Mùa 2015 cho phù hợp với điều kiện địa phương. Tiếp tục cải tiến cơ cấu giống theo hướng tăng tỷ trọng giống chất lượng cao, giống lúa thơm, phù hợp với đề xuấ của Hiệp hội Lương thực; giảm tối đa diện tích lúa chất lượng thấp trong vụ Hè Thu. Đối với vụ Thu Đông cần đảm bảo an toàn, có thể chuyển đổi sang nuôi trồng thủy sản ở những nơi trồng lúa hiệu quả thấp hoặc không an toàn.

- Đối với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, cần đặc biệt lưu ý tình hình xâm nhập mặn, để chủ động có giải pháp về thời vụ, cơ cấu giống phù hợp; đối với các tỉnh Đông Nam bộ, đặc biệt Ninh Thuận, Bình Thuận cần có kế hoạch rất cụ thể cho sản xuất vụ Hè Thu trên từng cánh đồng, trong điều kiện khô hạn rất nghiêm trọng đang diễn ra. Chỉ gieo cấy ở những nơi có đủ nước, những nơi không đủ nước cần chuyển đổi sang cây trồng cạn, những nơi không có nước thì nên tạm dừng sản xuất.

- Tiếp tục đẩy mạnh việc liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp trong sản xuất, tiêu thụ, xây dựng cánh đồng lớn, vùng nguyên liệu; đưa việc liên kết càng ngày đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả, tránh hình thức.

- Chỉ đạo chặt chẽ lịch thời vụ, mở rộng diện tích áp dụng IPM, 1 phải - 5 giảm, 3 giảm - 3 tăng, SRI,... tổ chức mạng lưới sản xuất hạt giống xác nhận, hướng dẫn nông dân giảm lượng hạt giống sử dụng xuống tối đa 80 - 100 kg/ha.

- Chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa kém hiệu quả, trong vụ Xuân Hè, Hè Thu, Thu Đông gắn liền với thị trường tiêu thụ, đảm bảo thu nhập của nông dân cao hơn so với trồng lúa.

b) Cục Trồng trọt rà soát, đánh giá việc thực hiện kế hoạch sản xuất giống lúa xác nhận năm 2014 - 2015 vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã được Bộ phê duyệt; chủ trì phối hợp với Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long tổ chức hội nghị chuyên đề về công tác quản lý giống lúa; đề xuất các giải pháp khắc phục tình trạng hạn chế về chất lượng giống lúa hiện nay.

c) Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường rà soát lại các đề tài khoa học, đề xuất điều chỉnh cho phù hợp; phối hợp với các Cục: Trồng trọt, Bảo vệ thực vật, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, các viện, trường, doanh nghiệp, địa phương tiếp tục tổng kết các gói kỹ thuật sản xuất lúa phù hợp cho từng tiểu vùng sinh thái gắn với việc thực hiện cánh đồng lớn.

d) Cục Bảo vệ thực vật: Theo dõi chặt chẽ diễn biến dịch hại, hướng dẫn và chỉ đạo thực hiện công tác phòng chống dịch hại trên lúa kịp thời.

đ) Tổng cục Thủy lợi: Theo dõi sát tình hình thời tiết, dự báo kịp thời; cung cấp thông tin cập nhật về nguồn nước, xâm nhập mặn để các địa phương chủ động đối phó.

e) Trung tâm Khuyến nông Quốc gai: Rà soát, đánh giá lại hiệu quả các dự án khuyến nông tại vùng Nam bộ, đảm bảo bám sát các mục tiêu tái cơ cấu ngành.

g) Hiệp hội Lương thực Việt Nam: Bám sát thị trường lúa gạo, đề xuất cơ cấu giống từ đầu vụ sản xuất; có các giải pháp để tiêu thụ hết lúa gạo với giá cả có lợi cho nông dân, trước hết thực hiện tốt nhất kế hoạch mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo vụ Đông Xuân 2014 - 2015.

BBT (gt)