Ngày 4/4/2015, tại thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Bộ Nông nghiệp và PTNT phối hợp với UBND Bà Rịa Vũng Tàu tổ chức Hội nghị “Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật phòng chống bệnh hại cây hồ tiêu”. Thứ trưởng Lê Quốc Doanh chủ trì Hội nghị.

Sau khi nghe báo cáo kết quả triển khai thực hiện Chiến dịch phòng chống bệnh chết nhanh, chết chậm hại hồ tiêu ở các tỉnh, các báo cáo chuyên đề và ý kiến thảo luận của các đại biểu, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh đã có ý kiến chỉ đạo và kết luận như sau:

1.    Qua việc đi khảo sát thực tế các mô hình trồng hồ tiêu đạt hiệu quả cao và qua báo cáo của Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu và các hộ nông dân, có thể thấy rằng các biện pháp kỹ thuật canh tác, vệ sinh, thiết kế vườn, chăm sóc, tỉa cành, bón phân, tưới nước hợp lý đóng vai trò quan trọng trong việc phòng chống bệnh hại trên cây hồ tiêu. Những kinh nghiệm và sáng tạo của Bà Rịa Vũng Tàu cần được nhân rộng trong thời gian tới.

2.    Việc triển khai thực hiện Chiến dịch phòng chống bệnh chết nhanh, chết chậm hại hồ tiêu ở các tỉnh trồng hồ tiêu trọng điểm theo phát động của Bộ Nông nghiệp và PTNT đã có những kết quả đáng khích lệ. Bước đầu đã thành lập Ban chỉ đạo, tổ chức tuyên truyền, tập huấn nâng cao nhận thức của nông dân; các cấp chính quyền đều nhận thức được vai trò kinh tế quan trọng của cây hồ tiêu và việc chỉ đạo, tổ chức phòng chống bệnh hại hồ tiêu là rất quan trọng.

3.    Để thực hiện tốt Chiến dịch phòng chống bệnh hại hồ tiêu, ngoài các nhiệm vụ đã giao tại Thông báo kết luận số 10557/TB-BNN-VP ngày 31/12/2014 của Bộ Nông nghiệp và PTNT, các đơn vị thuộc Bộ và các địa phương cần thực hiện:

a)    Cục Trồng trọt, Cục Bảo vệ Thực vật tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn các tỉnh thực hiện Chiến dịch phòng chống bệnh hại hồ tiêu đến đầu mùa mưa; liên tục cập nhật kết quả nghiên cứu, tiến bộ kỹ thuật mới để bổ sung, sửa đổi các quy trình đã ban hành nhằm ứng dụng hiệu quả trong thực tiễn sản xuất; tăng cường công tác quản lý Nhà nước về phân bón, thuốc BVTV tại vùng trồng hồ tiêu.

b)    Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối kết hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục BVTV tỉnh có hồ tiêu bị hại nặng để triển khai các mô hình phòng chống bệnh; tổ chức cho nông dân thăm quan, học tập các mô hình phòng chống bệnh hiệu quả; tổ chức in ấn poster, tờ rơi để các địa phương làm tài liệu tuyên truyền cho nông dân.

c)    Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam: tiến hành đánh giá lại toàn bộ giống hồ tiêu hiện nay, mô tả để nông dân có thể nhận diện từng giống; tổng hợp kinh nghiệm canh tác ở các vùng sản xuất khác nhau từ đó khuyến cáo cho nông dân thực hiện. Lựa chọn những nội dung cụ thể, xuất phát từ những vấn đề bức xúc nhất của sản xuất, tăng cường sự phối hợp với các địa phương, các viện, trung tâm nghiên cứu để triển khai thực hiện hiệu quả Dự án khuyến nông về phòng chống bệnh hại trên cây hồ tiêu.

d)    Sở Nông nghiệp và PTNT các tỉnh trồng hồ tiêu tổ chức, chỉ đạo Chi cục BVTV tỉnh rà soát toàn bộ diện tích trồng hồ tiêu, diện tích nhiễm bệnh chết nhanh, chết chậm theo từng hộ, tổng hợp báo cáo về Cục BVTV để tổng hợp chung; tiếp tục chỉ đạo thực hiện Chiến dịch ở địa phương đến đầu mùa mưa; tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện giao chỉ tiêu, gắn trách nhiệm của từng người đứng đầu trong quản lý, tổ chức thực hiện phòng chống bệnh theo địa bàn từng xã.

BBT(gt)