Theo thông tin từ Tổ chức Thú y thế giới (OIE) và Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO), từ năm 2017 đến ngày 31/10/2018, 19 quốc gia báo cáo phát hiện các ổ bệnh dịch tả lợn Châu Phi; trên 371 nghìn con lợn bệnh, trong đó chết trên 122 nghìn con, tiêu hủy 835 nghìn con. Từ ngày 03/8/2018 đến ngày 31/10/2018, Trung Quốc phát hiện trên 54 ổ dịch tại 13 tỉnh (bao gồm: An Huy, Hắc Long Giang, Hà Nam, Liêu Ninh, Giang Tô, Chiết Giang, Cát Lâm, Khu tự trị Nội Mông, Thiên Tân, Sơn Tây, Hồ Nam, Quý Châu, Vân Nam (tại Simao của thành phố Phổ Nhĩ, cách biên giới với các tỉnh Tây Bắc của Việt Nam khoảng 150 km), nước này phải tiêu hủy trên 210 nghìn con lợn.

Nguy cơ bệnh Dịch tả lợn Châu Phi xâm nhiễm vào Việt Nam thông qua các hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu, nghi nhập lậu, không rõ nguồn gốc, nhất là tại các tỉnh biên giới phía Bắc là rất cao; các hoạt động thương mại, du lịch của nhân dân các nước đã và đang có dịch bệnh, đặc biệt cư dân biên giới vận chuyển và tiêu thụ các sản phẩm thịt lợn, kể cả các sản phẩm thịt lợn đã qua chế biến chín cũng có thể đưa vi rút Dịch tả lợn Châu Phi xâm nhiễm vào Việt Nam.

Để phòng và ngăn chặn xâm nhiễm bệnh Dịch tả lợn Châu Phi vào Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các Bộ, ngành và ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức thực hiện nghiêm các nội dung Công điện số 1194/CĐ-TTg ngày 12/9/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung triển khai các biện pháp ngăn chặn bệnh Dịch tả lợn Châu Phi xâm nhiễm vào Việt Nam; Công điện khẩn số 6741/CĐ-BNN-TY ngày 30/8/2018 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc chủ động ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm bệnh Dịch tả lợn Châu Phi vào Việt Nam; trong đó chú trọng thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:

1. Chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường việc kiểm tra, giám sát chặt chẽ tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới; phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu, nghi nhập lậu, không rõ nguồn gốc; lấy mẫu gửi đến phòng thí nghiệm thuộc Cục Thú y để xét nghiệm bệnh Dịch tả lợn Châu Phi và tổ chức tiêu hủy theo đúng hướng dẫn của cơ quan thú y.

2. Tăng cường thông tin, tuyên truyền, nhất là đối với những người thường xuyên qua lại khu vực biên giới giữa hai nước, khách du lịch và người chăn nuôi nắm rõ diễn biến tình hình bệnh Dịch tả lợn Châu Phi để chung sức đồng lòng thực hiện đồng bộ các giải pháp kiểm soát nguy cơ bệnh Dịch tả lợn Châu Phi xâm nhiễm vào Việt Nam.

3. Tổ chức giám sát chặt chẽ, lấy mẫu đối với lợn có dấu hiệu bệnh nghi bị bệnh tại các điểm, cơ sở giết mổ hoặc trong quá trình vận chuyển; các sản phẩm thịt lợn đông lạnh, thịt lợn tươi, giăm bông, xúc xích,... gửi đến phòng thí nghiệm thuộc Cục Thú y để xét nghiệm bệnh Dịch tả lợn Châu Phi.

4. Hướng dẫn người chăn nuôi vệ sinh chuồng trại, khử trùng bằng vôi bột hoặc hóa chất, vệ sinh tiêu độc khử trùng người, phương tiện ra vào khu vực chăn nuôi theo đúng quy trình kỹ thuật chăn nuôi, vệ sinh phòng dịch.

5. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố có cửa khẩu biên giới, nội địa thành lập các đoàn kiểm tra thường xuyên về công tác phòng, chống dịch bệnh động vật, nhât là các cửa khâu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới

6. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố khẩn trương phê duyệt, chỉ đạo diễn tập, thực hành Kế hoạch hành động ứng phó với bệnh Dịch tả lợn Châu Phi bố trí kinh phí để tổ chức các hoạt động phòng, ngăn chặn bệnh Dịch tả lợn Châu Phi xâm nhiễm vào Việt Nam.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các đồng chí lãnh đạo các Bộ, ngành và đồng chí Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm chỉ đạo thực hiện nghiêm các nội dung nêu trên; thường xuyên thông báo về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để phối hợp xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh.