Trước tình hình giá lợn hơi giảm thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây do nguồn cung lớn hơn nhiều so với nhu cầu của thị trường có thể dẫn tới việc nhiều hộ và cơ sở chăn nuôi không chăm sóc, nuôi dưỡng tốt đàn lợn làm giảm sức đề kháng của lợn, không tiêm phòng vắc-xin phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên lợn, vứt xác lợn ốm, chết ra môi trường công cộng,… Do vậy, trong thời gian tới, nguy cơ bùng phát dịch bệnh trên gia súc là rất cao, nhất là các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gia súc. 

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh phát sinh trên gia súc, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và môi trường sinh thái, trong đó chú trọng một số nội dung chính sau đây:

1. Tổ chức tuyên truyền sâu rộng tại địa phương về nguy cơ bùng phát dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên đàn gia súc như: lở mồm long móng ở gia súc, tai xanh ở lợn, dịch tả lợn,… và tác hại lâu dài về kinh tế, môi trường nếu dịch bệnh ở gia súc bùng phát trên diện rộng sẽ gây thiệt hại rất lớn cho người chăn nuôi và ngân sách của nhà nước; người chăn nuôi cần báo ngay cho chính quyền địa phương và cơ quan chuyên ngành thú y, nếu phát hiện dấu hiệu nghi ngờ dịch bệnh trên gia súc; không buôn bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ gia súc mắc bệnh, gia súc chết. 

2. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, phát hiện dịch bệnh trên đàn gia súc tại địa phương để xử lý kịp thời, bảo đảm không để dịch bệnh lây lan trên diện rộng. 

3. Đẩy nhanh tiến độ tiêm phòng định kỳ, tiêm phòng bổ sung các loại vắc xin phòng bệnh cho đàn gia súc theo quy định.

4. Thực hiện nghiêm Chỉ thị số 3005/CT-BNN-TY ngày 11/4/2017 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc tăng cường công tác quản lý vận chuyển, giết mổ động vật bảo đảm an toàn thực phẩm.

BBT (gt)