Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNTT Lê Quốc Doanh và ông Nguyễn Quốc Việt, Phó trưởng Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ và ông Phạm Anh Tuấn – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang chủ trì Hội nghị.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh kết luận Hội nghị như sau:

1. Về kết quả sản xuất vụ đông xuân 2015 - 2016

Do ảnh hưởng bất lợi về tình hình khô hạn và xâm nhập mặn nên sản xuất bị thiệt hại nặng nề, giảm mạnh về diện tích, năng suất và sản lượng. Nhưng do sự chỉ đạo quyết liệt của Trung ương, sự chủ động, sáng tạo của các địa phương và bà con nông dân nên đã hạn chế được nhiều thiệt hại so với những diễn biến gay gắt và khốc liệt của hạn hán và xâm nhập mặn.

Ngoài việc nỗ lực chống hạn, xâm nhập mặn bằng các giải pháp công trình, các địa phương đã phối hợp nhuần nhuyễn nhiều giải pháp khác và bà con nông dân còn cải tiến nhiều biện pháp canh tác, đặc biệt là việc tuân thủ thời vụ khuyến cáo sớm hơn hàng năm 15 – 20 ngày, cơ cấu giống lúa được tập trung hơn và tăng tỷ lệ giống lúa chất lượng, đặc biệt là giống lúa thơm.

Cần tiếp tục tập trung cao độ triển khai các giải pháp tưới nước, bón phân đúng theo thời điểm để hạn chế thấp nhất những thiệt hại có thể xảy ra cho diện tích lúa đông xuân chưa thu hoạch.

2.  Triển khai sản xuất vụ hè thu, thu đông và vụ mùa 2016

a. Đối với các địa phương

- Tập trung mọi phương tiện và biện pháp để lấy và tích trữ nước ngọt đặc biệt là lượng nước ngọt được bổ sung trong tháng 4 năm 2016 để vừa cung cấp nước cho trà lúa trỗ, chín của đông xuân 2015 - 2016 vừa chuẩn bị cho sản xuất vụ lúa hè thu 2016;

- Xây dựng kế hoạch cụ thể và linh hoạt về cả diện tích, thời vụ cho sản xuất các vụ lúa còn lại trong năm 2016, trong đó tính toán chi tiết từng thời điểm, diện tích và cơ cấu giống cho từng tiểu vùng sản xuất chịu ảnh hưởng của hạn, mặn trong địa bàn tỉnh kèm theo các giải pháp thực hiện;

- Đối với vụ lúa hè thu:

+ Căn cứ vào tình hình cung cấp nguồn nước ngọt, thời gian di trú và sự phát triển của rầy nâu tại chỗ, để bố trí thời vụ xuống giống. Đối với vùng chịu ảnh hưởng nặng nề của xâm nhập mặn cần theo dõi chặt chẽ độ mặn, chỉ xuống giống khi có nguồn nước ngọt và đã được rửa mặn;

+ Cơ cấu giống lúa tập trung vào giống ngắn ngày, chống, chịu hạn, mặn và chỉ bố trí 2 - 3 giống chủ lực trong địa bàn từng tỉnh; khuyến cáo sử dụng giống xác nhận đồng thời với việc giảm lượng giống gieo sạ để hạn chế tối đa tác hại của hạn mặn và quản lý dịch hại được tốt hơn;

+ Áp dụng canh tác lúa theo tài liệu hướng dẫn kỹ thuật của Cục Trồng trọt, Viện Nghiên cứu lúa ĐBSCL và Trung Tâm Khuyến nông Quốc gia phát hành cho các địa phương.

- Đối với vụ lúa thu đông

+ Có kế hoạch đẩy mạnh sản xuất vụ lúa thu đông để bù lại sản lượng bị thiệt hại do hạn hán và xâm nhập mặn trong vụ đông xuân;

+ Chuẩn bị cho sản xuất vụ thu đông ngay từ khi bố trí thời vụ cho vụ hè thu, có kế hoạch gia cố đê bao để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho sản xuất lúa thu đông trong tình hình lũ, bão diễn biến bất thường.

            - Đối với vườn cây ăn quả

Tăng cường áp dụng các biện pháp bảo vệ vườn cây ăn quả, những vùng ven biển khi cần tưới nước cho cây cần phải đo độ mặn nguồn nước tưới để hạn chế những tác hại cho cây trồng, nhất là các cây đang trong thời kỳ ra hoa, kết trái.

b. Cục Trồng trọt

- Đánh giá lại cụ thể và chính xác tình hình sản xuất vụ đông xuân 2015 - 2016 đặc biệt là mức độ thiệt hại và sự sụt giảm năng suất diện tích so với thống kê cùng kỳ năm 2014 - 2015;

- Phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Thủy lợi, Trung tâm Khí tượng Thủy văn vùng Nam Bộ nắm chắc tình hình nguồn nước, vùng xâm nhập mặn, để hướng dẫn các địa phương thời vụ xuống giống tối ưu nhất cho từng vùng và linh hoạt điều chỉnh theo tình hình nguồn nước ngọt cung cấp cho sản xuất lúa;

- Xây dụng cơ cấu giống lúa cho từng địa phương, chỉ sử dụng, 2-3 giống, chủ lực trong sản xuất bằng các giống lúa ngắn ngày, chất lượng tốt và chịu mặn;

- Phối hợp chặt chẽ với các địa phương tính toán và xây dựng các giải pháp khả thi để đẩy mạnh sản xuất vụ thu đông, vụ mùa và lúa trên nền nuôi tôm nước lợ.

c. Cục Bảo vệ thực vật

Dự tính, dự báo tình hình và diễn biến của các loại sâu bệnh hại, kịp thời hướng dẫn phòng trừ để hạn chế sự bùng phát, tránh thiệt hại do sâu bệnh hại gây ra.

d.Tổng cục Thủy lợi

- Dự báo, thông tin kịp thời, rộng rãi và liên tục cho địa phương và nông dân về diễn biến nguồn nước ngọt, tình hình hạn và xâm nhập mặn cụ thể ở từng lưu vực, tiểu vùng, đê khai thác, và sử dụng nước có hiệu quả cho sản xuất và có biện pháp xử lý hạn, mặn;

- Hướng dẫn các biện pháp để ứng phó với hạn, mặn và cả lũ bão cho các vụ lúa sản xuất trong năm 2016;

- Cập nhật và tổng hợp tình hình thiệt hại của các địa phương, các kiến nghị và đề xuất hỗ trợ để Bộ trình Chính phủ kịp thời.

đ. Trung tâm Khuyến nông Quốc gia

- Chủ trì phối họp với các địa phương xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả, bền vững, đặc biệt là thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm chi phí sản xuất;

- Xây dựng và thực hiện tuyên truyền, phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng về các chủ trương, giải pháp và chỉ đạo phòng chống, giảm nhẹ thiên tai cho sản xuất trồng trọt.

e. Các cơ quan nghiên cứu

- Viện Lúa ĐBSCL: Xác định và khuyến cáo cụ thể các giống lúa chống chịu hạn, mặn và quy trình hướng dẫn canh tác lúa trong tình hình hạn mặn ngắn gọn, dễ hiểu và phổ biến rộng rãi trong dân. Cử cán bộ nghiên cứu đến địa phương để hỗ trợ và hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân.

- Viện Cây ăn quả miền Nam: Hoàn thiện quy trình kỹ thuật canh tác cây ăn trái trong tình hình, hạn, mặn, hướng dẫn rộng rãi biện pháp khắc phục khi bị ảnh hưởng hạn, mặn, in ấn tài liệu phổ biến rộng rãi cho nông dân. Cử cán bộ nghiên cứu đến địa phương để hỗ trợ và hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân.

BBT (gt)