Khu vực Bắc Trung Bộ là khu vực có đặc điểm là vùng chuyển tiếp khí hậu giữa miền Bắc và miền Nam nên có nhiều đặc thủy sản có giá trị kinh tế cao và đa dạng; tuy nhiên, là khu vực có nhiều bất thế về phát triển thủy sản: thiên tai, địa hình không thuận lợi, quy mô nuôi trồng thủy sản nhỏ lẻ, ngư trường khai thác hạn hẹp, chủ yếu ở khu vực vịnh Bắc Bộ,… Vì vậy cần nghiên cứu có hướng phát triển thủy sản phù hợp, trong đó tập trung đa dạng đối tượng nuôi, nhất là các đối tượng đặc hữu, đặc sản của vùng, có sản lượng và dung lượng thị trường nhỏ rất có lợi thế phát triển thị trường nội địa.

Để phát triển thủy sản bền vững khu vực Bắc Trung Bộ thời gian tới, các cơ quan của Bộ và các địa phương cần có giải pháp đồng bộ, tập trung vào vấn đề sau:

1.    Về nuôi trồng thủy sản:

a)    Phát huy thế mạnh về nuôi tôm thâm canh trên cát trong khu vực, giao Tổng cục Thủy sản chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Tĩnh tổng kết mô hình nuôi tôm trên cát thành công ở Hà Tĩnh trong thời gian vừa qua để nhân rộng cho khu vực Bắc Trung Bộ cũng như cả nước, lưu ý phát huy công nghệ nuôi phù hợp, đảm bảo an toàn dịch bệnh và bền vững và môi trường.

b)    Các Sở Nông nghiệp và PTNT cần chủ động và phối hợp với các cơ quan nghiên cứu như các Viện Nghiên cứu NTTS I, III, Trường Đại học Nông lâm Huế và các doanh nghiệp để nghiên cứu, khai thác tiềm năng lớn của các hồ chứa nước ngọt, các đầm phá ven biển.

c)    Tổng cục Thủy sản phối hợp với các Sở Nông nghiệp và PTNT các địa phương nghiên cứu nhằm chia sẻ kinh nghiệm về phòng chống dịch bệnh trong nuôi tôm thâm canh, hạn chế việc sử dụng kháng sinh trong nuôi tôm, nghiên cứu giảm giá thành nuôi tôm công nghiệp.

2. Về khai thác thủy sản:

a) Các Sở Nông nghiệp và PTNT trong vùng cần tăng cường phối hợp và chia sẻ kinh nghiệm thực hiện tốt công tác quảng lý về khai thác thủy sản theo Nghị định 33/2010/NĐ-CP của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ, Tổng cục Thủy sản; lưu ý quản lý số lượng tàu khai thác trên 90CV đóng mới, bao gồm cả tàu đóng mới theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ và ngoài phạm vi quy định Nghị định 67/2014/NĐ-CP.

b) Trước mắt giữ ổn định sản lượng khai thác, chú trọng nâng cao giá trị và hiệu quả khai thác thủy sản qua việc chuyển giao công nghệ mới và tập huấn kỹ thuật cho ngư dân; tăng cường công tác bảo quản sản phẩm khai thác; tổ chức lực lượng trên tàu hợp lý với từng nghề, từng loại tàu, dải công suất và triển khai đào tạo hợp lý cho lực lượng lao động trên tàu.

c) Giao Tổng cục Thủy sản chủ trì, phối hợp với các địa phương có chung ngư trường khai thác Vịnh Bắc Bộ để triển khai điều tra nguồn lợi, dự báo ngư trường, xác định sản lượng tối đa cho phép khai thác và đề xuất thí điểm việc phân bổ sản lượng khai thác cho các địa phương và giải pháp quản lý tàu cá, giảm tàu khai thác ven bờ thông qua các chính sách chuyển đổi nghề nghiệp.

3. Về bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản:

 a) Giao Tổng cục Thủy sản phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thừa Thiên Huế nghiên cứu, tổng kết để nhân rộng mô hình đồng quản lý nghề cá; nghiên cứu thí điểm quỹ tái tạo nguồn lợi thủy sản và chính sách hỗ trợ quản lý nghề cá dựa vào cộng đồng, thích ứng với biến đổi khí hậu vùng đầm phá Tam Giang – Cầu Hai (Thừa Thiên Huế), làm cơ sở để nhân rộng việc quản lỹ nghề cá các vùng đầm phá trên cả nước.

b) Tổng cục Thủy sản rà soát lại các khu bảo tồn biển và vùng nước nội địa để có quy hoạch, giải pháp quản lý, bảo tồn và phát triển; Sở Nông nghiệp và PTNT các địa phương nghiên cứu giải pháp phát triển các hệ sinh thái, nhất là khôi phục và phát triển hệ sinh thái rừng ngập mặn, chú ý công tác điều tra bảo vệ các bãi đẻ, bãi giống các loài thủy sản, ban hành quy định và triển khai thực hiện quyết liệt về cấm các nghề khai thác trong khu bảo tồn theo quy định.

4. Về chế biến tiêu thu:

Các sở Nông nghiệp và PTNT các tỉnh nghiên cứu, tham mưu cho UBND tỉnh khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư nhà máy chế biến trong khu vực; phối hợp với Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam nghiên cứu đẩy mạnh xúc tiến thương mại, chú trọng thị trường trong nước và xuất khẩu, trong đó lưu ý nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm;

5. Về công tác phối hợp

Các Viện nghiên cứu của Bộ NNN&PTNT và các cơ sở đào tạo trong khu vực tăng cường phối hợp chặt chẽ với các tỉnh, tạo điều kiện cho sự phát triển thủy sản các địa phương. Các sở NN và PTNT trong khu vực cần tăng cường công tác phối hợp lẫn nhau, tạo thuận lợi trong công tác quản lý thủy sản, hàng năm tổ chức các hoạt động giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm và chia sẻ thông tin.

6. Về một số đề xuất của các tỉnh: Bộ ghi nhận ý kiến của các địa phương về tăng cường đầu tư các vùng sản xuất tập trung, các cảng cá bến cá, giao Tổng cụ Thủy sản, Vụ Kế hoạch nghiên cứu để tham mưu cho Bộ thời gian tới. Đồng thời, đề nghị các Sở NN và PTNT các địa phương tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo, tăng cường kêu gọi đầu tư theo hình thức hợp tác công – tư, lựa chọn và khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào thủy sản.

 BBT (gt)