Những năm gần đây, bà con nông dân đã có nhiều mô hình sản xuất hiệu quả, tăng nhu nhập cho gia đình trong mùa lũ. Trong đó, phải kể đến mô hình trồng xen canh điên điển với các loại rau màu ngắn ngày trên đất bãi bồi của nông dân Nguyễn Hoàng Dũng ở ấp Vĩnh Hưng, xã Vĩnh Lộc. Bước đầu mô hình không chỉ tăng thu nhập cho gia đình mà còn giải quyết được việc làm thường xuyên cho lao động nhàn rỗi, nhất là lao động nghèo ở địa phương trong mùa lũ.

Vào một ngày đầu tháng 9, chúng tôi có dịp đến ấp Vĩnh Hưng, xã Vĩnh Lộc, tận mắt thấy mô hình trồng điên điển xen canh của nông dân Nguyễn Hoàng Dũng. Đây là một trong những mô hình mới và lạ ở địa phương. Qua trò chuyện, chúng tôi được biết đây là năm đầu tiên ông Dũng trồng thử nghiệm mô hình này. Ông cho trồng thử nghiệm xen canh điên điển với bí đao. Lúc đầu, khi trồng, bà con thấy lạ hỏi, ông cũng không dám nói mình đang thực hiện trồng xen, bởi đây là mô hình khá mới mẻ ở địa phương.

Với diện tích 2.000m2, ông trồng khoảng 300 bụi điên điển. Ông Dũng cho biết, ban đầu xuống giống bí đao, cùng thời gian này ông cũng trồng điên điển. Khoảng cách mỗi cây điên điển 1,5 m, mỗi hàng cách nhau 4 m theo rãnh liếp bí đao. Sau 50 ngày trồng thì bí đao bắt đầu thu hoạch. Trong thời gian này, điên điển còn nhỏ, chiều cao thấp, chưa có tàng nhiều nên bí đao vẫn nhận đủ ánh sáng để quang hợp. Sau khi thu hoạch bí đao xong, lúc này đã khoảng 3 tháng, điên điển cao khoảng 0,5-1 m và bắt đầu cho bông. Để điên điển cho bông lớn và nhiều, khi trồng phải  ngắt đọt đúng thời gian để điên điển cho nhiều nhánh. Hiện nay, mỗi ngày với 2.000m2, ông Dũng thu hoạch trên 40 kg điên điển. Giá thương lái thu mua tận nhà dao động từ 15-20 ngàn đồng/kg, có thời điểm lên đến 25 ngàn đồng/kg, sau khi trừ chi phí thu nhập 430.000 đồng/ngày.

Thời gian thu hoạch điên điển có thể kéo dài 3-4 tháng. Chính vì vậy, mô hình này còn tạo việc làm cho 6-7 lao động nhàn rỗi ở địa phương có thu nhập thường xuyên.

Ông Dương Văn Đấu - một lao động ở địa phương cho biết: “Trước đây, vào mùa lũ, bà con nghèo chúng tôi thường mưu sinh bằng nghề câu, lưới. Những năm gần đây, do lũ thấp nên chẳng câu lưới gì được. Nhưng nhờ có mô hình trồng điên điển của anh Dũng, bà con chúng tôi hơn tháng nay cũng có việc làm thường xuyên, kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống trong mùa lũ. Công việc bẻ bông điên điển bắt đầu từ 5-9 giờ sáng, gia đình tôi 2 người cũng kiếm được trên dưới 100 ngàn đồng.”

Nói về hiệu quả của mô hình trồng điên điển xen canh với các loại rau màu ngắn ngày, ông Lê Văn Én - Phó Trạm Khuyến nông huyện An Phú cho biết, mục tiêu của mô hình nhằm tăng thu nhập cho bà con nông dân, tạo việc làm cho lao động nhàn rỗi ở địa phương trong mùa lũ. Đồng thời, tạo ra một sản phẩm sạch cung ứng cho người tiêu dùng. Thời gian tới, Trạm sẽ quảng bá sản phẩm, tìm đầu ra ổn định để tiếp tục nhân rộng mô hình này một cách bền vững.

Bông điên điển được coi là rau sạch, là loại đặc sản được nhiều người ưa thích. Điên điển rất dễ trồng, ít tốn phân thuốc và công chăm sóc, cho thu nhập khá nên việc trồng điên điển xen canh với các loại cây màu ngắn ngày có thể coi là mô hình sản xuất mới để bà con nông dân áp dụng, không những tạo được việc làm cho lao động nhàn rỗi ở địa phương mà còn giúp bà con nông dân có thêm thu nhập trên cùng một diện tích sản xuất.

Phạm Như Hiếu

Trạm Khuyến nông huyện An Phú (An Giang)