Đứng trên khu ao nuôi rộng 10.000 m2, trong đó có một ao lắng và 2 ao ương nuôi được lót bạt ở địa chỉ số 18/26, đường Chi Lăng, phường 12, TP. Vũng Tàu, anh Nguyễn Hoàng Oanh sinh năm 1961, kể lại quá trình nuôi hải sản từ năm 2001 cho đến nay. Ngày đó khi mới bước vào nghề, thấy người ta nuôi tôm có hiệu quả anh cũng tìm hiểu quy trình rồi mua con giống về thả nuôi. Những năm đầu khi môi trường còn thuận lợi, các ao nuôi của anh luôn “về đích” và cho lợi nhuận cao. Những năm sau đó, khi môi trường ao nuôi ô nhiễm, việc nuôi tôm thương phẩm của anh trở nên khó khăn, anh chuyển hướng qua cho đẻ và ương nghêu giống. Nhờ bạn bè hỗ trợ kỹ thuật và nhu cầu thị trường tiêu thụ con giống nghêu ở các tỉnh khu vực miền Bắc cao, anh cũng thu được nhiều lợi nhuận, nhưng chỉ vỏn vẹn trong hai năm rồi thị trường nghêu giống lại bế tắc đầu ra. Với niềm say mê làm kinh tế mà đặc biệt là yêu cái nghề “chăm con mọn” anh luôn có hướng cầu tiến.

Năm 2017, qua tìm hiểu thị trường, biết được cá bớp thương phẩm có giá trị kinh tế cao, nhu cầu con giống thả nuôi rất lớn nhưng con giống nhân tạo để cung cấp cho người nuôi còn ít. Mặt khác, cá bớp có đặc điểm sinh trưởng và phát triển trong môi trường nước có độ mặn từ 30-35%, phù hợp với môi trường ao nuôi tại cơ sở anh. Có kinh nghiệm từ việc nuôi và cho sinh sản các loài thủy sản, anh quyết định đầu tư vào sản xuất cá bớp giống. Mỗi đợt sản xuất, tỷ lệ sống cá xuất bán còn thấp nhưng lợi nhuận mang lại cao hơn các đối tượng anh nuôi trước đây và đặc biệt là độ rủi ro cũng ít hơn. Theo anh Oanh, để thu hoạch khoảng 100.000 con giống/đợt với kích cỡ giống 10 cm, anh phải nhập 2-2,5 kg trứng cá bớp từ tỉnh Phú Yên, giá 10.000.000 đồng/kg trứng, mỗi kg trứng tương đương khoảng 1.000.000 trứng. Trứng sau khi đưa về cơ sở, anh cho vào ấp trong bể nhựa thể tích bể 6 m3. Trứng ấp nở thành cá bột, sau 3 ngày tiêu thụ hết noãn hoàng thì cho ra ao ương. Tại ao ương, các thông số về kỹ thuật được đảm bảo theo yêu cầu sinh trưởng và phát triển của cá bột. Lúc này cá bắt đầu sử dụng thức ăn ngoài. Thức ăn giai đoạn này chủ yếu là luân trùng (một loài sinh vật phù du rất cần thiết cho giai đoạn đầu của giáp xác và cá con 3- 5 ngày tuổi). Đến ngày thứ chín, chuyển qua cho cá ăn thức ăn ấu trùng Artemia (một loài giáp xác có hàm lượng đạm rất cao và có giá trị về mặt kinh tế; duy trì loại thức ăn này cho đến ngày thứ 20. Lúc này cá con trưởng thành và có thể tập cho cá sử dụng thức ăn cám viên có hàm lượng đạm cao, kích thước viên thức ăn vừa miệng cá, sau đó chuyển dần qua các dạng cám viên có hàm lượng đạm và kích thước theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Khi cá đạt kích cỡ 3- 5cm, hiện tượng phân đàn rất rõ cần phải chuyển cá ra gièo ương. Mỗi gièo có kích thước 4 x 6m có thể ương 3.000- 5.000 con giống. Chế độ quản lý môi trường và thức ăn phải luôn đảm bảo cho cá sinh trưởng trong điều kiện tối ưu. Sau hai tháng ương nuôi, cá đạt kích thước 8- 10cm là thu hoạch.

Thị trường tiêu thụ con giống cá bớp chủ yếu là tỉnh Kiên Giang và vùng nuôi lồng bè Long Sơn. Giá bán dao động trong năm từ 10.000 - 15.000 đồng/con giống cỡ 10cm, tùy theo mùa vụ. Mỗi đợt sản xuất, tỷ lệ sống đạt chừng 5% tính từ trứng. Sau khi trừ chi phi, lợi nhuận khoảng 500.000.000 đồng/đợt. Mỗi năm cơ sở sản xuất 3 đợt, mang đến thu nhập cho gia đình lên đến con số bạc tỷ. Có thể nói lợi nhuận trong lĩnh vực ương nuôi con giống hải sản là rất cao.

Với mô hình hiệu quả nhưng hiện vẫn ít người quan tâm, anh Võ Xuân Hậu, cán bộ khuyến nông tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết: “Hiện nay con giống cung cấp cho các hộ nuôi lồng bè tại địa phương còn phụ thuộc nhiều vào các cơ sở sản xuất giống tại các tỉnh miền Trung như Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận. Việc anh Oanh sản xuất con giống cá bớp theo quy trình ao đất là một trong những bước đột phá tiên phong mà người dân muốn học hỏi và làm theo. Hy vọng qua mô hình này người nuôi có thêm nhiều lựạ chọn về con giống phục vụ cho việc nuôi thương phẩm cá bớp trên lồng bè cũng như trong ao đất”.

Trọng Hoàng