Tiếp đón chúng tôi, ông Chung niềm nở cho biết, xã Thắng Cương, huyện Yên Dũng hiện có khoảng 80 – 100 ha diện tích đất vùng chiêm trũng nên làm ăn rất khó khăn. Trước đây diện tích này chủ yếu cấy lúa, số ít thả cá tự do nhưng hiệu quả kinh tế rất thấp. Từ năm 2014 xã thực hiện dồn điền đổi thửa, phấn đấu đạt mục tiêu nghị quyết Đại hội XXII của Đảng bộ xã đến năm 2020 giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 40 - 50 triệu đồng/năm, lãnh đạo xã khuyến khích người dân địa phương chuyển đổi diện tích trũng cấy lúa không hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản, vừa phát huy được tiềm năng vùng, vừa nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân. Bản thân vừa là đảng viên, vừa là cán bộ xã nên ông Chung đã mạnh dạn thuê hơn 02 ha đất trong vòng 50 năm để đầu tư nuôi trồng thủy sản, quy hoạch thành 4 ao, trong đó có 02 ao nuôi cá thương phẩm, 02 ao nuôi cá giống. Ông thuê thợ xây tường bao kiên cố, vững chắc, làm mới đường, kéo dây điện thắp sáng, mua các loại máy cơ giới hóa như máy sục khí oxy, quạt nước… với tổng số vốn đầu tư rơi vào gần 02 tỷ đồng. Năm 2017 ông thả gần 2,5 vạn con với 70% cá rô phi, còn lại 30% là các loại cá trắm, chép… Ông vừa làm, vừa học hỏi những người đi trước và được sự tư vấn của nhân viên cung cấp cám thủy sản nên quá trình nuôi vụ đầu tiên rất thuận lợi, ông thu được khoảng 27 tấn các các loại, đem về thu nhập gần 200 triệu đồng.

Mô hình của ông Chung là địa điểm cho các hộ dân xung quanh đến học tập kinh nghiệm

Ông Chung cho biết thêm, đối với nghề nuôi cá, quan trọng nhất là phải đảm bảo an toàn dịch bệnh, trung bình 1 tháng ông vãi vôi sát trùng ao 2 lần, phải thường xuyên kiểm tra và nắm bắt tình hình sinh trưởng và phát triển của cá và có cách xử lý phù hợp.

Năm nay, ông thả 3,9 vạn cá các loại, vẫn lấy cá rô phi làm chính, dự kiến cuối tháng 10, đầu tháng 11 dương lịch sẽ cho thu hoạch. Sản lượng năm nay dự kiến khoảng 25 – 30 tấn cá, giá cả năm nay ổn định và tăng hơn năm ngoái nên ông hi vọng sẽ thu về khoảng 350 triệu tiền lãi, nếu việc nuôi cá thuận lợi và giá cả ổn định như thế này thì ông sẽ nhanh chóng thu hồi được số vốn bỏ ra ban đầu.

Mô hình của ông Chung đã và đang đem lại thu nhập cho gia đình, là địa điểm để các hộ dân xung quanh đến học tập kinh nghiệm. Thời gian tới, UBND huyện Yên Dũng cần tiếp tục triển khai nhiều giải pháp nhằm khuyến khích nghề nuôi trồng thủy sản phát triển; tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ nông dân, chú trọng tập huấn kỹ thuật mới, qua đó góp phần giải quyết việc làm, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhiều hộ dân.

Nguyễn Khương

Trung tâm Khuyến nông Bắc Giang