Anh Thọ nuôi trâu đến nay được 5 năm. Lúc đầu vợ chồng anh chỉ nuôi 2-3 con với hình thức vỗ béo 3-4 tháng, gặp khách, được giá là bán. Nhận thấy cách làm này đem lại hiệu quả kinh tế cao và ít gặp rủi ro về vốn, chi phí thức ăn thấp nên vợ chồng anh mở rộng quy mô đàn lên 10-20 con. Để chủ động con giống nuôi, anh Thọ mua cả trâu đực và trâu cái, sau đó tự phối giống tại nhà để sinh sản nhân đàn. Trâu con đẻ ra đến đâu anh để nuôi đến đó, sau 6-8 tháng bán giá trung bình 15-25 triệu đồng/con. Khi ổn đàn, số lượng trâu cái lên đến 15 con thì anh Thọ loại thải dần số trâu đực già, chất lượng giống thấp. Thay vào đó anh tìm mua những trâu đực giống mới khỏe và có tỷ lệ thịt cao về phối trong vòng 1 năm rồi tiến hành thay giống đực mới. Kết hợp với việc tìm mua một số trâu gầy về nuôi vỗ béo 3-4 tháng, sau đó bán cho các nhà hàng, thương lái trong và ngoài tỉnh nên tổng đàn trâu của gia đình tăng qua các năm. Hiện, gia đình anh Thọ có 58 con trâu, trong đó có 15 trâu cái. Thời điểm cao nhất tổng đàn lên đến 65 con các loại.

Cách đây khoảng 2 tháng, gia đình anh vừa bán 11 con trâu thịt thu được 260 triệu đồng. Dự kiến từ nay đến cuối năm bán thêm 10 con nữa. Như vậy cùng với 30 triệu tiền bán phân chuồng cho các nhà vườn tại huyện Lục Ngạn mua về bón cây, trung bình một năm gia đình anh Thọ thu được trên 500 triệu đồng từ mô hình nuôi trâu.

Chia sẻ về bí quyết nuôi trâu hiệu quả cao, anh Thọ nói: “Điều quan trọng là phải thường xuyên cải tạo và nâng cao chất lượng đàn bằng cách thay đực giống mỗi năm một lần, giúp kích thích tính động dục của những con cái tăng cao, hiệu quả nhân đàn nhanh, kết hợp với việc giám sát, chăm sóc thật kỹ từng con, bảo đảm đủ dinh dưỡng và vệ sinh môi trường sạch”.

Nhờ kinh nghiệm chăm sóc hợp lý của vợ chồng anh Thọ nên đã rút ngắn thời gian động dục và sinh sản của trâu cái, sau 25 ngày sinh sản có thể phối giống và 12-13 tháng là đẻ. Bên cạnh đó không gian chuồng trại nuôi rộng rãi, thoáng mát, xa khu dân cư và có nguồn thức ăn cỏ, rơm rạ tự nhiên nên đàn vật nuôi của gia đình luôn khỏe mạnh, trâu thịt có tỷ lệ thịt xẻ cao, vị ngọt đậm.

Đàn trâu 58 con của gia đình anh Thọ chăn thả tự do trên đồng cỏ tự nhiên rộng rãi

“Một điều may mắn là năm 2017, tôi được Trung tâm Khuyến nông hỗ trợ mua một con trâu đực giống nội ở trại giống tỉnh Thanh Hóa. Đây là giống có tầm vóc to khỏe, tính hăng cao hơn so với những giống trâu trước, từ đó giúp gia đình cải tạo được giống mới chất lượng và hiệu quả hơn” – chị Hội phấn khởi chia sẻ. Trong thời gian tới, gia đình mong muốn nhà nước tiếp tục chuyển giao nhiều giống mới đến người chăn nuôi, có cơ chế chính sách hỗ trợ ưu đãi giúp họ yên tâm đầu tư sản xuất, tăng thu nhập kinh tế cho gia đình và xã hội.

Được biết, toàn bộ số trâu hiện có của gia đình chủ yếu là giống trâu nội, có một trâu giống lai Murrah. Trâu được chăn thả theo phương thức tự do hoàn toàn, tự phối giống trong đàn một cách tự nhiên. Điều này vừa là thuận lợi của người chăn nuôi, giảm chi phí đầu tư nhưng lại khó khăn trong vấn đề quản lý dịch bệnh, truy xuất nguồn gốc. Do đó, cơ quan chuyên môn khuyến cáo, người chăn nuôi nên thường xuyên theo dõi, kiểm tra đàn vật nuôi của gia đình; thực hiện định kỳ nguyên tắc khử trùng, bảo đảm thức ăn đủ dinh dưỡng có kết hợp cả thức ăn thô và tinh, đặc biệt trong những ngày thời tiết thay đổi đột ngột cần bổ sung khoáng chất cần thiết và hợp lý.

Đánh giá về mô hình nuôi trâu tại hộ anh Thọ, chị Hội, ông Nguyễn Viết Thắng – Trưởng phòng KN Chăn nuôi, Trung tâm KN tỉnh nhấn mạnh, đây là mô hình hiệu quả kinh tế cao. Người chăn nuôi đã biết chủ động và có kinh nghiệm trong việc nâng cao chất lượng đàn. Hiện, Trung tâm KN đang phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu và phát triển khuyến nông miền núi thực hiện Dự án cải tạo giống trâu giai đoạn 2012-2018. Theo đó, hỗ trợ 34 con trâu đực giống cho hộ chăn nuôi tại các huyện Lục Ngạn, Yên Dũng, Hiệp Hòa, Tân Yên, Việt Yên, Lạng Giang và thành phố Bắc Giang với định mức 50% giá trị mỗi con, từ đó chuyển giao nhiều giống trâu mới đến hộ dân, góp phần nâng cao chất lượng đàn và sản phẩm chăn nuôi an toàn đến người tiêu dùng.

Thanh Phúc

Trung tâm Khuyến nông Bắc Giang