Với gần 2 sào đất vườn, ông Huấn dành hẳn ra 1 sào cất giàn trồng bí đao, còn lại ông trồng dưa leo và các loại rau gia vị. Ông cho biết, mỗi năm ông trồng hai vụ bí, đông xuân và thu đông. Thời gian từ khi trồng đến khoảng 3 tháng là bắt đầu cho thu hoạch.

Vụ Đông xuân năm nay, ông trồng giống bí đao lai cho nhiều trái hơn giống bí địa phương và bắt đầu trồng từ cuối tháng 11 âm lịch. Kỹ thuật trồng bí của ông Huấn cũng khá đơn giản, ông trồng làm 3 hàng song song nhau, mỗi hàng dài 5m và hàng cách hàng 4m, cây cách cây 0,3m. Với 3 hàng bí đao, ông cắm chái cho leo giàn, nhờ chăm sóc tốt nên giàn bí đao nhà ông đậu trái rất sai, mỗi trái có trọng lượng từ 4-10kg.

Ông cho hay tới lúc bí đao chạy dây hết trái, tổng lượng bí ông thu hoạch hơn 10 tạ/sào. Với giá 4.000 đồng/kg thì mỗi sào ông thu hơn 4 triệu đồng. Ngoài bí đao, ông cũng có thu nhập kha khá từ trồng dưa leo và rau gia vị.

Ông Nguyễn Huấn chia sẻ về kinh nghiệm trồng bí của mình: “Muốn cho bí đạt kết quả cao, cây cần bắt đầu ra hoa và đổ nụ vào khoảng đầu tháng giêng – tức sau tết nguyên đán có gió đông, gió nồm là tốt nhất. Muốn vậy, trước khi ra hoa, ra nụ nên bơm thuốc kích thích. Từ ngày thu hoạch đến khi kết thúc, mỗi đợt khi cắt trái xong lại tưới bằng phân NPK hay NP ủ thật kỹ ngâm nước rồi tưới bằng gàu qua sau đó tưới nước lại, cây bí sẽ nức mầm ra hoa tiếp nữa đến khi 4 đợt, mỗi đợt 15 ngày sẽ có kết quả cao”.

Ông Huấn đang chăm sóc giàn bí đao

Sau khi thu hoạch xong bí vụ Đông xuân, ông cho biết sẽ trồng tiếp tục vụ Thu đông trên 3 hàng khác, tạo ra 2 vụ sản xuất bí đao/năm. Hàng năm, từ tiền bán bí đao, dưa leo và các loại rau gia vị, ông có thu nhập trên 10 triệu đồng, góp phần cải thiện cuộc sống gia đình.

Ông Nguyễn Ngọc Dũng - Chủ tịch Hội Nông dân xã Cát Thắng, huyện Phù Cát đánh giá cao về mô hình kinh tế vườn của ông Huấn: “Qua tìm hiểu và học hỏi các tiến bộ khoa học kỹ thuật trên sách báo, cũng như kinh nghiệm của một số người đã làm trước nên ông Huấn đã chọn trồng bí đao. Có thể nói rằng, nguồn thu nhập từ trồng bí đao của ông Nguyễn Huấn tương đối ổn định. Điều đáng quý là ông Huấn luôn tận tình giúp đỡ và chia sẻ kinh nghiệm sản xuất của mình cho bà con”.

Từ mô hình trồng bí đao của ông Huấn, Hội Nông dân xã Cát Thắng khuyến khích hội viên nông dân mở rộng diện tích trồng bí đao trên diện tích đất màu, đất ruộng, đưa bí đao trở thành một loại cây trồng phụ nhưng mang lại thu nhập kha khá cho nông dân.

Có thể khẳng định, hiệu quả từ những mô hình trồng bí đao chính là một hướng đi đúng, ổn định trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng, làm tăng năng suất trên một đơn vị diện tích đất canh tác ở những vùng độc canh cây lúa như xã Cát Thắng./.

Thế Hà – Văn Dung