Hiện nay, anh chỉ để lại những cây sầu riêng đang kinh doanh, diện tích còn lại anh đã chặt bỏ và trồng giống sầu riêng Moong Thon được 3 năm với quy mô khoảng 350 cây/ha.

Với những cây sầu riêng đang trong thời kỳ kinh doanh, nhờ chăm sóc tốt, đúng kỹ thuật, các cây sầu riêng của anh cho trung bình 80 trái/cây, đặc biệt có những cây cho đến 150 trái, tổng năng suất đạt hơn 300 tấn và được thương lái tới tận vườn mua với giá 60.000 đồng/kg. Bên cạnh việc bán trái sầu riêng, anh còn bán hạt sầu riêng để nhân giống và vỏ trái sầu riêng để ủ phân cũng với giá 60.000 đồng/kg.

Anh Hòa cho biết, nhờ nắm được các nguyên tắc xử lý và chăm sóc trong từng thời kỳ cây sinh trưởng cũng như xử lý ra hoa, kết quả đến thu hoạch nên chi phí chăm sóc vườn cây của anh rất ít. Hằng năm, mỗi gốc sầu riêng anh chỉ bón phân 8 kg/gốc. Vườn cây của anh hoàn toàn không sử dụng phân hóa học mà chỉ sử dụng phân sinh học được nhập khẩu từ Hà Lan về. Ngoài ra, theo anh Hòa phân gà đã qua xử lý sử dụng rất tốt cho cây sầu riêng.

Anh Hòa chia sẻ: "Để chăm sóc cây sầu riêng có hiệu quả,cho  năng suất cao thì từ giai đoạn làm lá cho tới dưỡng trái phải thực hiện đúng kỹ thuật. Muốn cây có nhiều hoa thì đầu tiên cây phải có bộ lá thật tốt, từ đó hoa mới đậu trái cho kết quả tố. Nếu bộ lá tốt thì sẽ giảm đi sự cạnh tranh chất dinh dưỡng khi nuôi trái, nếu người nông dân chỉ tập trung vào số lượng trái thì cây sầu riêng sẽ suy yếu sau một vài năm thu hoạch. Đối với những cây sầu riêng đã có bộ lá đẹp, bông đẹp thì cần hạn chế cho ra lá bằng cách sử dụng phân NPK khoáng sinh học với nồng độ lân và kali cao, trong đó kali với yếu tố nóng sẽ đốt đầu đọt non đi, hãm lại sự sinh trưởng của bộ lá từ 10 – 15 ngày, trong thời gian đó các chất dinh dưỡng sẽ tập trung cho sinh trưởng của trái sầu riêng".

Anh Nguyễn Trung Hòa (nón trắng) chia sẻ kinh nghiệm trồng sầu riêng

Bên cạnh đó, vì điều kiện thời tiết tại Đăk Lăk có gió mùa đông bắc sẽ làm cho tán lá không đồng đều và bị sâu bọ tấn công trong giai đoạn lá non. Vì vậy, giai đoạn làm lá phải đảm bảo các yếu tố: thời tiết thuận lợi, xử lý các loại rệp, bọ cánh cứng chuyên ăn lá non, đọt non. Anh cũng cho biết điều kiện thời tiết của địa phương nên sầu riêng trái vụ hiệu quả sẽ không cao, người nông dân cần cân nhắc trước khi làm trái vụ.

Vì vậy, để có thể giữ cho cây cho năng suất theo hướng bền vững "mẹ khỏe, con mập" thì phải chăm sóc cây thật tốt trước khi quyết định cho ra trái. Đối với những cây yếu thì bỏ trái 1 năm để cây phục hồi. Vào tháng 9 – 10 dương lịch, sau khi thu hoạch thì phải rửa sạch, chăm sóc, phục hồi sức khỏe của cây một cách toàn diện và cho ra 1 cơi lá đến 2 cơi lá (ra 2 cơi lá đối với cây kinh doanh trên 10 năm tuổi, ra 3 cơi lá đối với cây năm thứ 5).

Để tận dụng diện tích đất còn trống, anh Hòa trồng xen giống chuối tiêu hồng. Cây chuối sau khi chặt buồng có thể tận dụng thân và lá để tủ gốc cây sầu riêng nhằm tạo ẩm, tăng thêm chất hữu cơ và tránh cỏ mọc. Một cây chuối cho hai lượt thu hoạch thì trồng thay thế cây mới để bảo đảm chất lượng quả. Bên cạnh đó, trồng xen chuối sẽ có tác dụng cản gió và xốp đất, giữ nước cho cây sầu riêng, nhờ vậy, năng suất của sầu riêng cũng cao hơn so với trồng thuần.

Trồng xen chuối trong vườn sầu riêng

Sau khi thu hoạch sầu riêng, ngoài việc thương lái đến tận vườn mua nguyên trái, anh Hòa còn tổ chức sản xuất xưởng bóc múi cấp đông đóng hộp tại các hộ gia đình của xã viên và phân phối thẳng ra thị trường. Sầu riêng thu hoạch về, qua hệ thống rửa, từng múi sầu riêng được bóc tách nguyên vẹn, xếp vào hộp nhựa hay túi nilon hút chân không, sau đó cấp đông. Sản phẩm sầu riêng cấp đông có thể để được 8 tháng đến 1 năm trong tủ lạnh, khi lấy ra chỉ cần rã đông là có ngay những múi sầu riêng vẫn giữ được vị ngọt thơm, bùi như mới hái và hoàn toàn không sử dụng chất bảo quản, chất hóa học hay chất kích thích. Phương pháp bảo quản sau thu hoạch là cứu cánh cho nông dân trồng sầu riêng. Giải pháp này giúp người nông dân xóa đi điệp khúc được mùa mất giá.

Kho tập trung trái sầu riêng sau khi thu hoạch

Nhờ đầu tư chăm bón vườn cây đúng kỹ thuật, theo mô hình khép kín từ trồng, chăm sóc, thu hoạch đến bảo quản, vườn sầu riêng của gia đình anh luôn phát triển tốt, hạn chế được sâu bệnh và cho năng suất cao. Hiện nay, vườn sầu riêng của anh đã trở thành địa điểm được nhiều bà con nông dân đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm và đều được anh hướng dẫn tận tình.

Phan Vũ

Trung tâm Khuyến nông Đăk Lăk