Năm 1995, khi mới lấy nhau vợ chồng anh được bố mẹ cho ra ở riêng và cho 2 con heo để làm vốn. Từ 2 chú heo này anh chị đã nuôi phát triển dần thành một gia trại heo.  

Từ chỗ nuôi heo giống địa phương, nhờ tính chịu khó, tìm tòi học hỏi kinh nghiệm anh đã mua được giống heo siêu nạc có tính tăng trọng vượt trội cao hơn giống cũ. Với ý chí quyết tâm làm giàu bằng nghề nuôi heo nên lứa nào xuất bán là anh chị mua giống mới để tăng đàn. Từ chỗ chăn nuôi nông hộ nhỏ lẻ anh phát triển quy mô nuôi vài chục con heo. Năm 2008 anh mở rộng quy mô đàn lên 20 nái và hiện tại trong trại của anh đã lên đến 60 con nái Yorkshire và hàng trăm con heo thịt lai giữa mẹ Yorkshire và bố Landrace.

Anh Nguyên chia sẻ trong chăn nuôi heo việc phòng bệnh bằng vắc xin và vệ sinh chuồng trại là quan trọng nhất. Do đó trong từng lứa heo, từng con heo anh đều đánh số và có sổ sách ghi tỉ mỉ những loại vắc xin cần chủng theo đúng quy trình. Ngoài ra việc chọn lựa thức ăn cho heo cũng rất quan trọng để vừa đảm bảo chất lượng mà hạ giá thành sản phẩm. Anh lựa chọn đủ các loại cám của nhiều công ty, nhưng cuối cùng anh chọn công ty cám Green peed của mỹ để cho heo ăn. Hiện tại anh lấy cám trực tiếp từ công ty và đang phân phối liên kết với các hộ trong nhóm chăn nuôi heo để cung cấp cám và trao đổi kinh nghiệm trong chăn nuôi heo. Theo anh Nguyên, lựa chọn cám phải rõ nguồn gốc xuất xứ, trong cám không có chất kích thích nhưng phải đảm bảo độ đạm giúp cho heo tăng trọng tốt, chất lượng thịt thơm ngon. Nhờ phương thức chăn nuôi an toàn nên lứa heo nào anh bán thương lái cũng vào tận trại để mua, nhưng giá cao hơn từ 1.000-2.000 đồng/kg heo hơi so với thị trường.

Về hiệu quả kinh tế anh Nguyên cho biết, heo con đẻ ra bao nhiêu anh để lại nuôi thịt bấy nhiêu. Anh nuôi từ khi đẻ đến khi xuất bán là 5 tháng, trọng lượng xuất chuồng trung bình là 100 kg/con, giá bán heo giao động từ 45-50 nghìn đồng/con, sau khi trừ chi phí lãi bình quân 1 triệu đồng/con. Với 60 đầu heo nái, mỗi năm anh nuôi trung bình 2 lứa, mỗi lứa 600 heo thịt, sau khi trừ chi phí anh thu về gần 1 tỉ đồng/năm. Ngoài ra anh còn tận dụng được phân chuồng của heo để bón cho 2 ha cà phê và cao su, mỗi năm anh tiết kiệm được 50 triệu đồng/năm. Về đầu ra của sản phẩm anh không lo, tuy không có hợp đồng mua bán nhưng mỗi lần anh xuất bán heo là thương lái ở lò mổ của xã Quảng Tín vào tận nơi để mua.

Từ một người chăn nuôi heo nông hộ nhỏ lẻ, trải qua bao nhiêu khó khăn đến nay gia đình anh đã cơ ngơi khang trang, trang trại kiên cố và nguồn thu nhập hàng năm rất ổn định, gia đình anh trở nên khá giả nhất vùng. Nhờ phương thức chăn nuôi bền vững có sự liên kết giữa các hộ và đầu ra sản phẩm ổn định nên trong thời gian tới anh Nguyên sẽ mở rộng thêm quy mô và tìm những hướng đi mới trong chăn nuôi heo nông hộ. 

Được biết, hiện tại ở thôn 2 của xã Đăk Sin có 14 trang trại có từ 15-65 đầu nái. Các trang trại này thường xuyên trao đổi kinh nghiệm chăn nuôi heo từ việc lựa chọn con giống nuôi đến phòng và điều trị những bệnh thường gặp trên heo, các hộ cũng thường xuyên đổi heo đực giống giữa các trại, tránh hiện tượng đồng huyết, nhằm mang lại lợi ích kinh tế cao nhất trong chăn nuôi heo.

Nguyễn Thị Khánh

Trung tâm Khuyến nông Đăk Nông