Sinh ra và lớn lên trên địa bàn của một huyện nghèo lại là người thuộc dân tộc thiểu số, nhưng chị Già đã biết cách làm kinh tế để nâng cao thu nhập cho gia đình, vươn lên thoát nghèo và từng bước làm giàu. Xuất phát từ điều kiện tự nhiên của huyện gặp nhiều khó khăn về nguồn nước phục vụ cho sinh hoạt và tưới tiêu trong sản xuất nông nghiệp, chị Già đã nhận thức được chỉ có đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gia súc gắn với trồng cỏ mới có thể nâng cao nguồn thu nhập cho gia đình. Từ đó, chị Già đã mạnh dạn chuyển đổi các diện tích trồng ngô kém hiệu quả sang trồng cỏ phục vụ chăn nuôi gia súc. Ngoài ra, chị Già còn tận dụng các khoảng đất trống, đồi núi trọc của gia đình để phát triển trồng cỏ nhằm tăng nguồn thức ăn cho đàn gia súc của gia đình. Chị Già còn mua các con bò gầy yếu của các gia đình và ở các phiên chợ trên địa bàn về để nuôi vỗ béo.

Khi được hỏi về nguồn thu nhập từ chăn nuôi và vỗ béo gia súc, chị Già cho biết: “Ngoài mở rộng diện tích trồng cỏ phục vụ phát triển chăn nuôi gia súc, mỗi đợt tôi nuôi vỗ béo từ 7 – 8 con bò, sau khoảng 3 – 4 tháng là lại bán cho các thương lái ở các tỉnh dưới xuôi. Bình quân tiền bán gia súc và tiền lãi từ vỗ béo bò, mỗi tháng gia đình tôi có nguồn thu bình quân từ 20 – 25 triệu đồng sau khi đã trừ các khoản chi phí đầu tư”.

Ở một huyện miền núi biên giới còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao như huyện Mèo Vạc thì nguồn thu nhập trên của gia đình chị Già quả là số tiền không nhỏ.

Chị Thò Thị Già bên đàn bò đang nuôi vỗ béo của gia đình

Khi được hỏi về bí quyết trong chăn nuôi, chị Già cho biết: Muốn phát triển chăn nuôi gia súc thành công thì người chăn nuôi phải biết các khâu kỹ thuật cơ bản như công tác chăm sóc và vệ sinh chuồng trại; kỹ thuật phòng trừ dịch bệnh và dự trữ nguồn thức ăn cho đàn gia súc trong mùa đông. Để vỗ béo cho đàn bò được nhanh và hiệu quả thì khi mua bò gầy yếu để vỗ béo cũng cần có kỹ thuật nhất định, đó là chỉ mua những con bò gầy yếu tuổi còn non, không nên mua những con bò quá già sẽ vỗ béo không đạt hiệu quả. Bên cạnh đó, khi mua bò gầy yếu về vỗ béo, công việc đầu tiên là phải tẩy giun sán và dùng các sản phẩm phụ từ nông nghiệp như cám gạo, bột ngô để cho ăn bổ sung…

Ngoài làm kinh tế giỏi, chị Già còn sẵn sàng trợ giúp các kiến thức về chăn nuôi và phòng trừ dịch bệnh trên đàn gia súc cho các hộ nông dân khác trên địa bàn.

Chị Thò Thị Già đã được Hội Phụ nữ huyện Mèo Vạc tặng nhiều giấy khen do có thành tích làm kinh tế giỏi và giúp đõ mọi người cùng vươn lên thoát nghèo tại địa phương từ năm 2016 đến nay.

Phạm Văn Phú

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Hà Giang