Diện tích rau màu được bảo vệ bằng cách che phủ bằng vải trắng bên ngoài và lớp nylon trắng bên trong

 

Bà Nguyễn Thị Tâm thôn Tâng Thượng xã Liên Hồng cho biết: Muốn gieo trồng các giống rau cần tây, tỏi tây, rau mùi vào mùa nóng khâu chuẩn bị phải tốt, đầu tư cao, ruộng phải cao, thuận tiện tưới tiêu, đất phải được nghỉ khoảng 2 tháng bằng cách: cày bừa ngả, ngâm nước, làm đất, khi lên luống phải phơi đất ải, làm đất mặt luống nhỏ, kỹ; mặt luống được phủ dày 2 - 3 cm đất bột, phân chuồng, phân lân đã được trộn đều, ủ kỹ 2 - 3 tháng; chống mưa nắng bằng vải phin trắng hoặc lưới nilon kết hợp với khum tre cách mặt luống 70 - 80cm, 2 bên mép để thoáng khoảng 25cm.


Bà Tâm cũng cho biết thêm, người dân trong thôn sản xuất rau màu trái vụ đến nay đã được 4 - 5 năm. Vụ thu hoạch rau trái vụ từ tháng 6 đến tháng 9 hàng năm, ruộng để không 3-4 tháng nhưng không tiếc. Làm theo cách này đầu tư có cao nhưng bù lại năng suất cao và ổn định, rau ngon nên bán được giá, làm một vụ bằng mấy vụ; hơn nữa, việc tiêu thụ, do các đại lý tại địa phương thu mua nên rất thuận lợi. Nếu làm theo phương pháp trước đây, rau bị chết nóng và sâu bệnh nhiều, dập nát nhiều, sản lượng thấp.

 

Che phủ nằng nylon màu đen 


Vào thời điểm trung tuần tháng 6 giá rau mùi ở đây từ 30.000 – 40.000 đồng/kg, tỏi tây, cần tây 30.000 – 35.000đồng/kg. Mỗi sào bà con thu 12 - 18 triệu đồng. Theo tính toán của các hộ dân ở đây, sau khi trừ tất cả các chi phí khoảng 2 triệu đồng/sào (bao gồm: giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), vật liệu che phủ), cá biệt có hộ thu 25-30 triệu đồng/sào, mỗi sào bà con thu lãi trên 10 triệu đồng.


Theo Chi cục Thống kê, hiện tại toàn huyện Gia Lộc có trên 15ha rau mùi, cần tây, tỏi tây trái vụ, mỗi ha cho giá trị sản xuất từ 400 - 500 triệu đồng.


Ông Đoàn Văn Cảnh - Cán bộ Viện Cây lương thực Thực phẩm cho biết, nông dân chuyển đổi mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao trong nhà lưới, nhà màng sang kỹ thuật sử dụng khum tre kết hợp với vải trắng, lưới nilon, màng phủ nilon trồng rau trái vụ là một biện pháp kỹ thuật tiên tiến trong việc khắc phục các yếu tố thời tiết nắng nóng, nhiệt độ cao, mưa nhiều, phù hợp với mức độ đầu tư của nông hộ, cây trồng sinh trưởng phát triển tốt, sâu bệnh ít, cho năng suất, chất lượng và hiệu quả cao, từ đó góp phần giảm bớt sự mất cân bằng cung, cầu của thị trường rau. Ông Cảnh cũng đề nghị các địa phương tăng cường công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật và cho nông dân tham quan học tập để sản xuất rau trái vụ ngày càng được mở rộng.

 

Bùi Văn Viện
Trạm Khuyến nông huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương.