Trước năm 2018, gia đình anh chuyên về trồng xoài. Vườn xoài nhà anh lúc nào cũng cho năng suất cao và chất lượng tốt. Chưa bằng lòng với những kết quả đạt được, anh mong muốn tìm tòi thêm đối tượng cây trồng mới, mang hiệu quả kinh tế cao hơn để đưa về sản xuất trên đất Cam Lâm.

Năm 2008, một thân một mình đi tham quan những mô hình nông nghiệp hay của các tỉnh lân cận, anh đã phát hiện đối tượng cây trồng mới - cây măng tây. Đây là giống cây thân thảo, dễ sinh trưởng nếu được cung cấp đủ độ ẩm cần thiết; chỉ khoảng 6 tháng sau khi gieo hạt là cây đã cho thu hoạch, có thể thu hoạch liên tục trong vòng 10 năm, trong điều kiện chăm sóc tốt có thể thu hoạch từ 15 – 20 năm.

Anh Linh cho biết: "Khi bắt đầu có ý tưởng với việc trồng cây măng tây, gia đình và bạn bè đều phản đối bởi muốn có đất trồng phải phá bỏ hết một phần diện tích xoài Úc đang trong thời kỳ cho ra trái tốt, chất lượng và năng suất cao nhất. Việc thuyết phục gia đình, nhất là bà xã đã dẫn đến những buổi “cơm không lành, canh không ngọt”. Thế nhưng, với quyết tâm cao cộng với ý tưởng hay đã dần dần thuyết phục bà xã đồng tình”.

Vậy là vườn xoài gần 5.000 m2 đã bị đốn bỏ, thay vào đó là một mảnh đất rộng bằng phẳng. Anh Linh bắt đầu đi khảo sát nhà vườn ở các nơi có trồng cây măng tây như Phan Rang, Lâm Đồng, đồng thời cũng tìm hiểu thông tin trên mạng về cách trồng, cách chăm sóc cây măng tây. Ngay từ đầu, anh đã xác định và theo đuổi mô hình trồng măng tây không sử dụng đến các loại phân bón hóa học độc hại, hướng đến nông nghiệp sạch. Không đi theo cách chăm sóc truyền thống như nhiều nhà vườn khác mà ứng dụng ngay những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào vườn măng tây của mình. Anh Linh đã tự ủ phân hữu cơ từ phân động vật như phân bò, phân heo (lợn) có sẵn tại địa phương và dùng nguồn nước sạch từ đầu nguồn chảy về với hệ thống cấp nước tự động để chăm sóc cây.

Ban đầu, anh sử dụng hệ thống tưới nước phun mưa, giúp giảm một phần công lao động. Ưu điểm của hệ thống này là rửa sạch được phần sương muối đọng trên lá và mầm cây. Tuy nhiên do không có hệ thống lọc và điều áp nên hệ thống tưới phun mưa thường xảy ra tắc nghẽn, lượng nước tưới không đều, bên cạnh đó lại tốn công làm cỏ cho cây, bởi hệ thống này giúp cỏ dưới gốc cây phát triển rất nhanh.

Đầu tháng 6/2019, mô hình ứng dụng công nghệ cao của Trạm Khuyến công – nông – lâm – ngư huyện Cam Lâm đã được triển khai trên vườn măng tây của anh Linh. Hiện tại, vườn măng tây của anh đã được trồng hơn 3,5 tháng. Trạm đã tiến hành thực hiện hệ thống tưới nước tiết kiệm trên cây măng tây với mức hỗ trợ 40% hệ thống, tổng mức đầu tư là 66.456.000 đồng. Được biết, hệ thống tưới nhỏ giọt cho cây măng tây là một lựa chọn khá tối ưu với các đặc điểm của loài cây này. Bởi nhu cầu nước của cây măng tây khá cao, việc duy trì độ ẩm cho cây trong các giai đoạn cũng có nhiều thay đổi, đặc biệt là sau mỗi lần thu hoạch, nhu cầu độ ẩm của cây tăng để cho một lượt măng mới nảy mầm. Độ ẩm của đất trồng măng tây luôn luôn được giữ trong khoảng 60-70% là phù hợp nhất, tuy nhiên không được để rễ măng ngập trong nước quá 24 giờ.

             Anh Nguyễn Hữu Linh đang vận hành hệ thống tưới nước nhỏ giọt cho vườn măng tây

Mô hình đã sử dụng tưới nhỏ giọt inline ống mềm, hình thức tưới nhỏ giọt theo hàng, mỗi hàng măng là một dây tưới với khoảng cách các lỗ nhỏ giọt từ 30 - 50 cm, tùy vào điều kiện thực tế. Mỗi giờ sẽ cho 1 - 2 lít nước trên 1 lỗ nhỏ giọt. Mô hình đã sử dụng dây nhỏ giọt có bù áp để đảm bảo sự đồng đều về lượng nước ở tất cả các gốc.

Nhờ việc trồng măng tây theo hướng nông nghiệp sạch và áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới nên cây măng tây từ vườn nhà anh luôn có màu xanh đậm, đảm bảo độ giòn, ngọt và hương vị đặc trưng tốt nhất của măng tây, luôn được thị trường ưa chuộng.

Với tinh thần dám nghĩ dám làm, dám mạnh dạn đầu tư vào cây trồng mới, công nghệ mới, hy vọng anh nông dân Nguyễn Hữu Linh sẽ thu được nhiều thành công hơn nữa trên mảnh đất của mình./.

Nguyễn Thị Nhặn

Trạm Khuyến CNLN huyện Cam Lâm.