Chị Lương Thị Bắc, 48 tuổi, người dân tộc Tày ở Bản 2 xã Xuân Thượng, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai là điển hình trong việc chịu khó, năng động vươn lên thoát nghèo bền vững nhờ thực hiện mô hình phát triển kinh tế gia đình, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Theo lời giới thiệu của chị Thàm Thị Bé – chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã, chúng tôi đến thăm mô hình làm kinh tế của gia đình chị Lương Thị Bắc 48 tuổi, người dân tộc Tày, ở Bản 2, xã Xuân Thượng chị là người phụ nữ đảm đang, cần cù, chịu thương, chịu khó vươn lên làm kinh tế giỏi, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc tại bản của mình.

Nhìn đôi bàn tay nhanh thoăn thoắt của chị đang sàng ngô ngoài sân, miệng luôn nở nụ cười, tiếp chuyện với chúng tôi, chị Bắc tâm sự: hai vợ chồng chị khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng. Sau khi chị kết hôn và ra ở riêng thì gặp rất nhiều khó khăn vì không có vốn, ruộng lại ít, không có kinh nghiệm trong chăn nuôi, trồng trọt… Ban đầu gia đình chị chỉ cấy mấy mảnh ruộng, trồng thêm ít ngô để ăn, mấy năm trôi qua cuộc sống vẫn khó khăn, túng bấn. Chị đã bàn với chồng, chị ở nhà làm và nuôi con, còn anh chịu khó đi làm thuê mấy năm lấy vốn để chăn nuôi, sản xuất.

Số vốn ban đầu của gia đình qua mấy năm làm tích lũy được khoảng 15 triệu đồng, cộng thêm 30 triệu đồng vốn vay từ Ngân hàng Nông nghiệp, gia đình chị mạnh dạn đầu tư vào việc mở rộng diện tích trồng ngô và chăn nuôi lợn. Chị Bắc chia sẻ để ngô đạt năng suất cao, cần chọn giống ngô phù hợp, đất cần được cày, bừa kỹ để tạo điều kiện cho rễ phát triển, ngô không bị đổ. Gieo không quá dày cũng không quá thưa vì trồng thưa quá làm giảm năng suất hạt, ngược lại, nếu trồng quá dày, hạt bị lép, cây ngô dễ bị đỗ ngã và sâu bệnh. Sau khi gieo ngô được 5 đến 6 ngày, đi kiểm tra nương ngô, những chỗ ngô không mọc thì trồng lại. Ở những hốc nếu mọc dày nên nhổ bớt cây, tỉa lá. Bón phân cần bón đúng lúc, bón nhiều phân chuồng để ngô mới phát triển tốt và cho năng suất cao. Mỗi năm chị thu về 6 đến 7 tấn ngô. Chị lấy ngô nhà trồng được dùng vào việc chăn nuôi lợn. Gia đình chị đã xây 2 dãy chuồng nuôi lợn, mỗi lứa chị nuôi từ  30 đến 100 con lợn. Lợn được tiêm vắc xin định kỳ mỗi năm. Đặc biệt, chất thải trong chăn nuôi được chị xử lý như phân khô dùng làm phân bón phục vụ sản xuất nông nghiệp, nước thải được cho vào bể bioga để làm khí đốt giúp tiết kiệm chi phí và đảm bảo vệ sinh môi trường. Được biết, trừ chi phí chị thu về từ 100 đến 150 triệu đồng từ tiền nuôi lợn mỗi năm. Cộng thêm đào ao nuôi cá, chăn nuôi thêm gà, vịt, … đã giúp gia đình chị nhanh chóng vượt qua khó khăn, từ đó vươn lên làm giàu.

Cũng chính nguồn thu nhập từ mô hình chăn nuôi kết hợp trồng trọt này gia đình chị Bắc đã làm nhà cửa khang trang, con cái có điều kiện ăn học đến nơi đến chốn. Hiện con trai lớn đã xây dựng gia đình, con gái thứ hai đang học chuyên ngành Địa chính ở Hà Nội, con trai út học xong Cao đẳng Sư phạm. Trong gia đình, anh chị luôn gương mẫu để con cái noi theo.

Chị Bắc là hộ đi đầu trong việc phát triển kinh tế tại địa phương. Chị không những biết cách làm giàu cho bản thân, gia đình mà còn luôn thể hiện tinh thần đoàn kết “lá lành đùm lá rách”, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm trong chăn nuôi, sản xuất, giúp đỡ chị em khác có hoàn cảnh khó khăn trong bản của mình...cùng nhau vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Nhiều năm liền gia đình chị được nhận danh hiệu “Gia đình văn hoá”.

Có thể nói, chị Lương Thị Bắc là tấm gương điển hình về tinh thần cần cù, chịu thương, chịu khó trong lao động sản xuất, biết vươn lên làm giàu chính đáng. Những kết quả đạt được hôm nay của chị Bắc thật đáng trân trọng. Chị đã góp phần điểm tô hình ảnh đẹp của người phụ nữ nông thôn vùng cao, xứng đáng là tấm gương sáng để chị em phụ nữ học tập và noi theo. 

Lưu Hòa

Trung tâm Khuyến nông Lào Cai