Ông Chín Trung đầu tư xây dựng 24 bể nuôi lươn. Mỗi bể có kích thước 2 x 4 (m) đủ để thả nuôi khoảng 100 kg lươn giống. Để tạo nơi trú ẩn cho lươn, mỗi bể ông Chín Trung lót 3 tấm vỉ tre chồng lên nhau, khoảng cách giữa mỗi tấm vỉ tre là 10 cm. Mực nước trong bể được giữ ở mức 30-40cm. Tất cả các bể đều có hệ thống cấp, thoát nước đầy đủ. Ông Chín Trung cho biết: “Lươn giống được ông chọn mua từ Cam-pu-chia, kích cỡ 20-25 con/kg. Thức ăn cho lươn chủ yếu là cá biển tươi được xay nhuyễn. Khi cho lươn ăn cần bổ sung thêm men tiêu hóa để lươn dễ hấp thu thức ăn. Mỗi ngày, chỉ cần cho lươn ăn 1 lần, định kỳ 1-2 ngày thay nước 1 lần. Lươn phát triển tương đối tốt nếu mua được nguồn giống chất lượng. Lươn hầu như không bị bệnh, nếu có thường chỉ là bệnh ngoài da hoặc đường tiêu hóa nhưng rất dễ điều trị”.

Khi đến tham quan, bà con nông dân đã được ông Chín Trung chia sẻ một số kiến thức cơ bản về tập tính của lươn, giới thiệu về quy trình, kỹ thuật trong việc nuôi lươn như: việc xây dựng chuồng trại, vệ sinh, cách chăm sóc, thức ăn, cách thức cho ăn, thay nước… Với nguồn giống tốt và chăm sóc đầy đủ có thể thu hoạch lươn sau khi nuôi khoảng 4-5 tháng, lúc này trọng lượng có thể  đạt khoảng 3 con/kg. Với giá dao động từ 110.000 – 150.000 đồng/kg, tỷ suất lợi nhuận đạt khoảng 50% so với vốn đầu tư ban đầu. Ông Chín Trung khuyến cáo bà con mới nuôi thì chỉ nên nuôi 1-2 bể với mật độ thưa khoảng 40-50 kg lươn giống cho mỗi bể để tự có kinh nghiệm rồi phát triển dần lên.

Qua tham quan thực tế cho thấy mô hình nuôi lươn không bùn mang lại hiệu quả kinh tế khá tốt nếu có nguồn giống tốt và chăm sóc lươn đúng kỹ thuật. Hy vọng sau đợt tham quan, bà con nông dân của thành phố Tân An học tập được nhiều vấn đề cần thiết để có thể nuôi lươn như một trong những đối tượng thủy sản có nhiều triển vọng phát triển phù hợp với các xã ngoại vi thành phố Tân An theo định hướng phát triển nông nghiệp ven đô./.

Nguyễn Ngọc Vân Hạ

Trạm Khuyến nông TP. Tân An, Long An