Nắm bắt được thị hiếu người tiêu dùng với loại trái cây này, năm 2015, ông Nguyễn Văn Thiêng, thôn Phước An, xã Phước Vinh, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận đã trồng thử nghiệm giống mãng cầu Thái trên 2 sào đất hoa màu của gia đình. Sau khi trồng được 2 năm, nhận thấy cây sinh trưởng và phát triển tốt, ông tiếp tục chuyển đổi 5 sào đất trồng bắp, thuốc lá của gia đình để trồng thêm cây mãng cầu Thái Lan. Đến nay cả 7 sào mãng cầu của ông Thiêng đã tỏ ra thích nghi với điều kiện thổ nhưỡng ở vùng đất nắng gió Ninh Thuận và cho năng suất, chất lượng trái ổn định.

Cụ thể đợt tết Canh Tý, gia đình ông Thiêng thu nhập trên 200 triệu đồng/sào (500 m2) mãng cầu Thái do bán được giá cao. Với quy cách trồng 80 cây/sào, mỗi cây cho từ 15-25 kg trái, giá bán đợt tết dao động 70.000 -90.000 đồng/kg đã giúp gia đình ông Thiêng có nguồn thu đáng kể.

Vườn mãng cầu nhà ông Thiêng được trồng với mật độ 80 cây/sào.

 

Ông Thiêng cho biết: “Cây mãng cầu Thái này trồng cũng giống với các loại cây ăn trái khác. Sau 5 năm trồng, tôi nhận thấy cây khá phù hợp với đất đồng Phước An. Cây sinh trưởng tốt, cho quả to, mẫu mã đẹp, thời gian bảo quản được lâu nên được nhiều người ưa chuộng trong dịp tết. Năng suất hơn hẳn giống mãng cầu ta và tăng theo thời kỳ kinh doanh, có thể đạt 24 tấn trái/ha nếu được chăm sóc tốt”.

Từ thành công của gia đình ông Thiêng, hiện nay nhiều nông dân ở xã Phước Vinh cũng đã chuyển đổi một số diện tích đất trồng lúa, hoa màu kém hiệu quả sang trồng cây mãng cầu Thái Lan với diện tích khoảng 8 ha. Anh Lê Hồng Anh, thôn Phước An 1, cho biết: Trước đây, toàn bộ diện tích của gia đình chủ yếu là trồng bắp, khi thấy hộ ông Thiêng trồng cây mãng cầu Thái Lan đạt hiệu quả kinh tế cao, tôi đã học hỏi và chuyển 2 sào đất sang trồng mãng cầu. Sau 2 năm chăm sóc cẩn thận, cây mãng cầu phát triển tốt và cho trái sai, nên năm đầu tiên đã thu hoạch được gần 2 tấn trái, với giá bán bình quân 60.000 đồng/kg, gia đình thu nhập trên 100 triệu đồng.

Nhận thấy đây là mô hình mới mang lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con nông dân, trong thời gian tới, địa phương xác định sẽ quy hoạch lại vùng sản xuất nông nghiệp, khuyến khích nông dân chuyển đổi vùng đất lúa, đất màu kém hiệu quả sang trồng các loại cây ăn trái như: mãng cầu Thái Lan, xoài cát trắng, bưởi da xanh… với diện tích khoảng 40 ha, nhằm tăng giá trị kinh tế trên cùng đơn vị diện tích, tăng thu nhập cho nông dân, đáp nhu cầu thị trường.

Cán bộ khuyến nông hướng dẫn ông Thiêng (người bên phải) cách nhận biết một số sâu bệnh hại trên cây mãng cầu Thái

 

Vừa qua, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Ninh Thuận cũng đã tập huấn về kỹ thuật thâm canh cây mãng cầu theo hướng VietGAP cho bà con nơi đây từ nguồn kinh phí Dự án khuyến nông trung ương. Điều này giúp cho bà con  có thể đầu tư một cách bài bản, khoa học với kỹ thuật trồng và chăm sóc theo quy trình VietGAP, kỹ thuật thụ phấn cho hoa, cách cho cây ra hoa trái vụ để có giá trị kinh tế , đặc biệt, quan tâm đến vấn đề sử dụng nước nguồn tiết kiệm bằng việc áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt. Từ đó tạo ra vùng chuyên canh cây ăn quả cho tỉnh, hướng đến phát triển bền vững./.

Cơ Nguyên

Trung tâm Khuyến nông Ninh Thuận