Với bản chất cần cù, siêng năng, ham học hỏi, chịu khó tìm tòi áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới, anh Nguyễn Toàn ở xã Thanh Hải huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận đã vươn lên để làm giàu chính đáng từ nghề biển.

Những năm 1980, hoạt động của các Hợp tác xã khai thác dần kém hiệu quả và dẫn đến giải thể, nhường chỗ cho kinh tế cá thể, hộ gia đình phát triển theo hướng nghề cá nhân dân. Thời điểm đó ghe tàu còn thô sơ công suất nhỏ dưới 45cv, ngư lưới cụ lạc hậu, kỹ thuật đánh bắt hoàn toàn dựa vào kinh nghiệm theo kiểu cha truyền con nối, ngư trường ven bờ, thời gian đánh bắt ngắn trong ngày, sáng đi chiều về.

Sinh ra trong gia đình có truyền thống đánh bắt hải sản, anh Toàn xin đi biển làm anh nuôi, vừa làm công tác hậu cần vừa học hỏi kinh nghiệm thực tế trên biển. Đến năm 1993, anh làm thuyền trưởng trực tiếp điều hành con tàu 110 cv cùng 15 lao động.

Nhiều năm sau đó, số lượng tàu được đóng mới tăng nhanh, hiệu suất đánh bắt ở gần bờ cao, với nhiều nghề khai thác khác nhau dẫn đến nguồn lợi hải sản ngày càng cạn kiệt. Việc vươn ra ngư trường xa đánh bắt là nhu cầu tất yếu. Tuy nhiên do chưa đầu tư các thiết bị hàng hải trên tàu, nên việc hành trình ra ngư trường và về bờ thường không chính xác, chủ yếu định hướng bằng sao trên trời, rất mất thời gian, hao tổn nhiều nhiên liệu. Ngư dân lại thiếu thông tin về ngư trường và thị trường giá cả. Ngoài ra việc bủa lưới để đánh bắt hải sản chủ yếu bằng kinh nghiệm, theo dõi con nước để đánh, do vây hiệu quả chưa cao.

Khi Trung tâm Khuyến nông Ninh Thuận chuyển giao các thiết bị hàng hải vào khai thác hải sản cho ngư dân trong anh Toàn cảm thấy cần phải ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nên cùng gia đình tìm hiểu và quyết định đầu tư đóng con tàu 310 cv.

Anh Toàn tâm sự, khi vươn khơi khai thác mới thấy cần có tàu to hơn và công suất lớn để đảm bảo an toàn, đặc biệt khi khai thác ở ngư trường mới gặp không ít những khó khăn, để dò tìm được những đàn cá nổi đã khó nhưng di chuyển theo để vây bắt còn khó hơn. Do vậy gia đình quyết định bán chiếc tàu 110 cv, tập trung vốn đóng chiếc mới với công suất 370 cv để vươn khơi đánh bắt.

Năm 2011 anh được tham gia lớp tập huấn ứng dụng máy dò ngang trên tàu khai thác do Trung tâm Khuyến nông tỉnh tổ chức, được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn sử dụng các chức năng của máy. Qua lớp tập huấn anh như giải được bài toán khó và những bức xúc bấy lâu. Là người ham học hỏi ứng dụng kỹ thuật mới nên anh Toàn là người đầu tiên của xã xung phong đăng ký xin tham gia mô hình ứng dụng máy dò ngang do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia hỗ trợ. Qua 6 tháng triển khai, mô hình tổng kết đánh giá sản lượng hải sản tăng trên 160%, doanh thu đạt 1,5 tỷ, trừ chi phí lợi nhuận còn 1,2 tỷ.

Từ hiệu quả ứng dụng máy dò ngang, anh thường chia sẻ và trao đổi kinh nghiệm cho những ngư dân trong vùng tham khảo qua những buổi tọa đàm hay trong những đợt tập huấn hướng dẫn sử dung thiết bị hàng hải. Đặc biệt khi sản  xuất trên biển qua bộ đàm anh thường chia sẻ kỹ thuật sử dụng máy dò ngang cho ngư dân của tàu khác.

Đến năm 2016, gia đình anh vay thêm tín dụng ngân hàng đóng con tàu thứ 3 với công suất 500 cv, đầu tư trang bị thiết bị hàng hải hiện đại. Trung bình mỗi năm gia đình có doanh thu khoảng 10 tỷ, đặc biệt năm 2017 có doanh thu 15 tỷ và giải quyết việc làm cho 50 lao động tại địa phương.

Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật là giải pháp kỹ thuật không thể thiếu để khai thác hải sản phát triển bền vững, tạo việc làm với thu nhập ổn định cho cộng đồng ngư dân ven biển từ đó đã tác động không nhỏ đến bộ mặt kinh tế, dân sinh, an ninh xã hội của vùng nông thôn ven biển theo chiều hướng tích cực và góp phần vào xây dựng nông thôn mới của xã Thanh Hải.

Nguyễn Văn Viện

Trung tâm Khuyến nông Ninh Thuận