Gia đình chị Nguyễn Thị Lương ở thị trấn Nông trường Việt Trung, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình là một trong những hộ như thế. Từ hai bàn tay trắng, dựa vào nghề nuôi bò lai, gia đình chị Lương đã xóa nghèo bền vững, nuôi các con ăn học đến nơi đến chốn, kinh tế hộ nhờ đó mà ngày một đi lên.

Là công nhân có hơn 20 năm trong nghề cạo mủ cao su của Công ty Cao su Việt Trung, nhưng do sức khỏe yếu phải nghỉ hưu sớm, chồng lại đi làm ăn xa, phó mặc một mình chị với hai người con đang tuổi ăn học. Dáng người nhỏ nhắn, đồng lương hưu ít ỏi, lấy đâu ra tiền để trang trải cuộc sống và lo cho con học hành bằng chúng bằng bạn là bài toán khó đối với một phụ nữ sức yếu tay mềm như chị. Thế nhưng sau bao đêm trăn trở, tính toán nhiều phương án khác nhau, trong đầu chị đã lóe lên ý tưởng: nuôi bò là cách làm phù hợp với điều kiện tự nhiên, đồng vốn, sức khỏe của bản thân. Ngoài giờ học, các con cũng có thể tham gia giúp mẹ.

Vậy là chị Lương quyết định đầu tư chăn nuôi bò sinh sản. Bắt đầu từ vài con bò cái, dần dần chị đã gây được đàn bò lai hàng chục con. Chưa kể hơn 40 bê lai đã bán hàng năm để trang trải mọi chi tiêu của gia đình, hiện đàn bò còn 20 con, trị giá khoảng 400 triệu đồng.

Biết ý chúng tôi muốn được chia sẻ cách làm ăn của chị, khi đàn bò đã được dẫn đến đồng chăn, chị Lương vui vẻ kể lại những ngày đầu bắt tay vào nghề nuôi bò, hơn 10 năm trước, chị vay mượn, gom góp được gần 20 triệu đồng rồi nhờ người có kinh nghiệm đi đến các nơi chọn mua về 2 con bò mẹ. Ngoài việc chăn thả, cho ăn cỏ tự nhiên dưới các lô cao su, hàng ngày chị dành thời gian cắt cỏ cho bò ăn thêm, quan tâm tắm rửa, vệ sinh sạch sẽ chuồng trại nên bò sớm thay lông mượt da và chẳng mấy chốc chúng đã lần lượt động dục. Do thời kỳ đầu còn mù mờ, chưa nắm vững kỹ thuật và thiếu kinh nghiệm nên không có sự lựa chọn, cứ thấy bò muốn nhảy đực là dắt đến nơi có bò đực cho nhảy trực tiếp, rồi chửa đẻ, mỗi năm có hai con bê ra đời. Sau hơn hai năm gia đình đã có đàn bò nho nhỏ gồm 5 con. Chị chia sẻ: “Nhà nghèo mà có được như vậy đã rất mừng”. Nhưng giống bò cỏ quá còi cọc, bê sơ sinh nhỏ con, chăm bẵm mấy cũng không chịu lớn, trong lúc nợ nần đã đến hạn phải trả. Sốt ruột, chị tìm đến những hộ nuôi bò có kinh nghiệm để học hỏi và gặp người hiểu biết về chuyên môn để tìm hiểu xem có loại bò nào tốt hơn để thay thế.

Thật may, biết được Ngành Nông nghiệp và chính quyền địa phương đang có chủ trương khuyến khích cải tạo đàn bò, trong đó, các hộ nuôi bò cái sinh sản được hỗ trợ phối giống bò lai, giống bò Sind chịu thâm canh, chóng lớn, bê một năm tuổi có thể đạt trọng lượng 1-1,5 tạ. Thế là chị tìm cách liên lạc với người dẫn tinh viên trên địa bàn để được hỗ trợ kỹ thuật phối giống bằng thụ tinh nhân tạo (TTNT). Nhờ đó đàn bò lai của chị Lương ngày một phát triển theo hướng chất lượng và nguồn thu cứ thế tăng lên.

Anh Nguyễn Văn Dúy, dân tinh viên xã Hòa Trạch, huyện Bố Trạch cho biết thêm: “Đàn bò của gia đình chị Lương được chăn thả đều đặn ngày hai buổi nên luôn đủ no, việc phòng chống dịch bệnh được chị quan tâm nên bò khỏe mạnh, phát triển tốt. Mặt khác, đàn bò cái nền tốt (vì hầu hết sử dụng bò lai) và chủ hộ lại có kinh nghiệm, phát hiện chính xác bò cái động dục nên tỷ lệ phối giống bằng TTNT đạt khá cao. Các yếu tố đó dẫn đến đàn bò của chị mang lại hiệu quả kinh tế cao”.

Có thể nói, nhờ cần cù, chịu khó, dám nghĩ dám làm, đặc biệt là chọn nghề phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể và biết ứng dụng những tiến bộ kỹ thuật mới vào thực tiễn nên chị Nguyễn Thị Lương đã thành công từ chăn nuôi bò lai. Điều muốn nhắc đến ở đây nữa là các con của chị cũng rất tâm đắc với nghề của gia đình, các cháu vừa học vừa tham gia chăn bò là nguồn động lực để chủ hộ tâm huyết phát triển nghề bền vững. Nhờ thu nhập từ chăn nuôi bò lai, chị Lương có tiền chu cấp cho các con ăn học đến nơi đến chốn và có công ăn việc làm ổn định, kinh tế gia đình ngày một khá giả ./.

Võ Đại Chung

Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư Quảng Bình