Trong đó, sản phẩm cao cà gai leo Thanh Bình do đôi vợ chồng trẻ Nguyễn Thanh Bình và Nguyễn Thị Giang ở thôn Nam Nẫm, xã Cự Nẫm (huyện Bố Trạch) sản xuất đã chinh phục được không ít người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh…

Vốn là bạn đồng môn tại một trường đại học, sau khi ra trường và kết hôn, anh chị về công tác tại tỉnh; anh Bình làm việc ở Trại giống lúa Đại Trạch (thuộc Công ty Giống cây trồng Quảng Bình) và có thời gian làm việc tại Tập đoàn Trường Thịnh, còn chị Giang làm nghề nuôi dạy trẻ ở địa phương. Nhận thấy điều kiện gia đình có đất đai rộng, phù hợp để phát triển các loại cây như hồ tiêu, cây ăn quả, anh chị xin nghỉ việc để tập trung phát triển kinh tế vườn theo ý tưởng của mình. Những năm đầu, anh chị chọn giống ổi chất lượng và dăm chục cây táo về trồng. Nhờ chăm sóc tốt, các loại cây trồng sai quả và chất lượng ngon, được thị trường ưa chuộng nên cho thu nhập khá. Tuy nhiên, sau vài vụ thì cây ổi bắt đầu thoái hóa và phát sinh một số sâu bệnh nên năng suất, chất lượng giảm đi. Thời điểm đó, nhận thấy tiềm năng về cây dược liệu, nhất là cây cà gai leo bắt đầu phát triển mạnh trên địa bàn huyện, anh Bình chị Giang quyết định cải tạo vườn ổi để chuyển sang trồng loại cây dược liệu này.

Chị Nguyễn Thị Giang chia sẻ: “Năm 2015, chúng tôi bắt đầu trồng và phát triển diện tích cây dược liệu cà gai leo này. Xét về thời gian quay vòng vốn của cây dược liệu ngắn, ít sâu hại, lại hạn chế được sự tác động của thiên tai nên hiệu quả cao hơn so với cây trồng khác. Để sản xuất bền vững và hiệu quả, nhà vườn luôn đặt chất lượng sản phẩm lên hàng đầu nhằm đảm bảo thương hiệu và uy tín của sản phẩm. Toàn bộ diện tích trồng cây cà gai leo của nhà vườn đều được áp dụng quy trình trồng và chăm sóc cây nguyên liệu sạch, chỉ sử dụng các sản phẩm sinh học như bánh dầu lạc (xác lạc đã ép kiệt dầu) và phân chuồng ủ hoai mục để bón cho cây trồng. Đặc biệt, nhà vườn tuyệt đối không dùng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật, do đó, cây cà gai leo đảm bảo sạch hoàn toàn. Cây cà gai leo được trồng và chăm sóc đủ 6 tháng mới thu hoạch để đảm bảo có nhiều dược tính nhất, chất lượng cao nhất. Trong 3 năm, từ năm 2015-2017, nhà vườn chỉ trồng và bán nguyên liệu thô (được phơi khô) với giá từ 70.000-100.000 đồng/kg, trừ chi phí mỗi năm lãi trên 100 triệu đồng. Nhờ phát triển cây dược liệu nên kinh tế gia đình được cải thiện cũng như tạo việc làm cho không ít lao động thời vụ tại địa phương.

Trước nhu cầu của người tiêu dùng về các sản phẩm chiết xuất từ cây cà gai leo, đầu năm 2018, anh Bình tìm kiếm và học hỏi kinh nghiệm để sản xuất sản phẩm cao cà gai leo. Để từng bước nâng cao chất lượng thành phẩm, anh Bình đã đặt mua dây chuyền nấu cao theo quy trình sản xuất ngành dược, đồng thời đăng ký công bố chất lượng sản phẩm. Theo đó, sản phẩm cao cà gai leo Thanh Bình được sản xuất hoàn toàn tự nhiên theo quy trình chuỗi khép kín từ trồng nguyên liệu, nấu thành phẩm đến đóng gói sản phẩm; quy cách đóng gói lọ thủy tinh 100 gr.

Tháng 9/2018, anh chị đứng ra thành lập HTX SXKD tổng hợp cây dược liệu Cự Nẫm, với 8 thành viên tham gia, trong đó 7 thành viên là hộ dân trên địa bàn xã chủ yếu trồng và cung cấp nguyên liệu cây cà gai leo (với tổng diện tích khoảng 6 ha trồng theo kiểu gối đầu vụ) để anh Bình sản xuất thành phẩm cao cà gai leo. Toàn bộ cây giống đều được cung cấp và quy trình trồng, chăm sóc cây cà gai leo đều được anh Bình chủ động giám sát để đảm bảo chất lượng nguyên liệu sạch theo yêu cầu.

Thời điểm chúng tôi đến thăm, gia đình anh Bình, chị Giang đang bắt đầu trồng lứa cà gai leo mới trên diện tích gần 2 ha tại vườn nhà. Anh Bình cho biết: “Thành lập HTX SXKD tổng hợp cây dược liệu Cự Nẫm là bước ngoặt lớn, bởi không chỉ giúp cho chúng tôi chủ động được nguồn nguyên liệu để mở rộng quy mô sản xuất, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm trên thị trường, mà còn giúp cho người dân trong xã có thêm thu nhập từ loại cây tiềm năng này. Hiện tại, cứ 3 ngày chúng tôi nấu được một mẻ cao cà gai leo khoảng 5kg, xuất thành phẩm được 50 hộp 100gr/hộp. Tất cả các sản phẩm của HTX đều được dán nhãn QR-code truy xuất được nguồn gốc sản phẩm nhằm tạo niềm tin cho người tiêu dùng. Cuối năm vừa rồi, ngoài việc bán lẻ cho khách địa phương, chúng tôi còn liên kết với công ty lữ hành du lịch Oxalis và một số khách sạn như Sơn Đoòng Bungalow, Phương Nam ở Phong Nha… để giới thiệu sản phẩm, được khách du lịch đánh giá cao và giới thiệu nhau tìm mua”.

Tất cả các khâu sản xuất sản phẩm cao cà gai leo đều thép kín và được kiểm soát chất lượng đảm bảo VSATTP

Với những thành công bước đầu trong việc xây dựng thương hiệu sản phẩm cao cà gai leo Thanh Bình, định hướng phát triển của đôi vợ chồng trẻ là tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất và đa dạng hóa sản phẩm từ cây dược liệu, như cao cà gai leo, cao lá vằng, cao lạc tiên, cao đinh lăng… Hiện tại, vợ chồng anh Bình, chị Giang đang triển khai xây dựng nhà xưởng và đặt mua thêm máy móc, thiết bị sản xuất chuyên dụng để nâng cao năng lực sản xuất. Trước mắt, anh Bình phấn đấu nâng sản lượng thành phẩm lên khoảng 20 kg/đợt (tương đương 200 hộp) mới đủ phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng. Đặc biệt, với định hướng xây dựng và phát triển các sản phẩm dược liệu của địa phương theo hướng sản phẩm OCOP, anh Bình đang tập trung liên kết với các công ty du lịch, khách sạn, homestay và một số cửa hàng nông sản sạch trên địa bàn tỉnh để giới thiệu cho người tiêu dùng biết đến những sản phẩm chất lượng, có thương hiệu của huyện Bố Trạch nói riêng, tỉnh Quảng Bình nói chung.

Ngọc Lan