Trong phong trào đấy đã xuất hiện nhiều tấm gương nông dân năng động, dám nghĩ, dám làm, cần cù, sáng tạo, từng bước vươn lên làm giàu chính đáng bằng đôi tay, khối óc của mình. Vợ chồng chị Hoàng Thị Rạng ở thôn Quảng Xá, xã Vĩnh Long huyện Vĩnh Linh là một trong những gương nông dân điển hình như thế.

Chị Rạng chăm sóc đàn lơn của gia đình

 

Tận mắt chứng kiến quy mô sản xuất chăn nuôi của gia đình chị Rạng, chúng tôi đã học hỏi được những cách thức làm ăn khá bài bản. Chị Rạng năm nay 43 tuổi, vợ chồng chị bắt tay vào công việc đầu tư chăn nuôi quy mô lớn trong hộ gia đình từ năm 2006. Trước đó anh chị chỉ nuôi quy mô nhỏ lẻ 1-2 lợn nái và 5-7 con lợn thịt, việc chăn nuôi chủ yếu dựa vào kinh nghiệm nên dễ gặp rủi ro. Năm 2006, anh chị có ý tưởng sẽ dần hình thành một mô hình chăn nuôi lớn và bước đầu bắt tay vào thực hiện. Để nuôi lợn đạt hiệu quả kinh tế cao, tránh dịch bệnh, gia đình anh chị đầu tư xây dựng 1 dãy chuồng nuôi có mái lợp bằng tôn kiên cố, thông thoáng về mùa hè và ấm áp về mùa đông. Dãy chuồng nuôi được chia thành các ô dành cho từng giai đoạn phát triển của lợn để tiện theo dõi chăm sóc, nuôi dưỡng được đảm bảo. Anh chị đã chọn mua những con giống F1 về làm nái và đặt mua một đực giống ngoại từ trại giống miền Nam. Những năm đầu bắt tay vào chăn nuôi quy mô lớn, kinh nghiệm chăn nuôi chưa có, vốn liếng lại không nhiều, dịch bệnh có thể bùng phát bất cứ lúc nào, nên anh chị rất lo lắng. Nhưng rồi với phương châm lấy ngắn nuôi dài và học hỏi thêm kinh nghiệm, dần dần các khó khăn đã được tháo gỡ. Từ đó cứ mỗi năm số lợn mẹ đẻ ra đàn con, anh chị dựa vào đó làm nguồn vốn nuôi và nhân rộng thêm. Hiện quy mô số lượng nuôi cũng tăng thêm, không chỉ nuôi lợn thương phẩm, gia đình chị nuôi 22 con lợn nái, để cung cấp lợn giống quay vòng, chủ động về con giống, giảm bớt chi phí tiền mua giống lợn thương phẩm.

Đằng sau hai dãy chuồng rộng lớn là ao nuôi cá có diện tích là 6.500 m2. Tận dụng các tầng mặt nước và nguồn thức ăn từ chăn nuôi, gia đình chị thả nuôi các loại cá truyền thống như cá gáy, trôi, mè, chép, trắm... Đây là những giống cá tương đối dễ nuôi, ít dịch bệnh, không kén thức ăn, mà thị trường tiêu thụ rộng. Phía trên một phần mặt nước ao nuôi anh chị thả bèo lục bình để làm nguồn thức ăn thô xanh cho lợn. Tận dụng các phế phụ phẩm nông nghiệp như chuối cây, ngô, bí ngồi, mít… cộng với bèo lục bình trong ao, vào các buổi chiều trong ngày anh chị đều dùng máy nghiền thức ăn, nghiền các phế phụ phẩm nông nghiệp sau đó trộn lại với bột cám, và thức ăn công nghiệp để cung cấp cho đàn lợn. Nhờ được chăm sóc kỹ lưỡng, khẩu phần ăn đầy đủ nên đàn lợn anh chị nuôi ít dich bệnh chống lớn. Anh chị cho biết trung bình mỗi năm gia đình xuất chuồng 4 lứa, mỗi lứa 30 con, thu lãi từ đàn lợn thịt trên 70 triệu đồng. Ngoài ra, phần lợn giống bán cho bà con xung quanh thôn và nguồn thu từ ao cá cũng mang về cho anh chị khoảng 60 triệu đồng/năm. Bên cạnh đấy, anh chị có 1 ha rừng trồng và 3 ha cao su đã đi vào giai đoạn khai thác.

 

Chế biến thức ăn cho lợn từ nguồn phế phụ phẩm nông nghiệp

Dẫu công việc chăn nuôi bận rộn nhưng chị vẫn sắp xếp để tham gia các lớp tập huấn hưỡng dẫn kỹ thuật do Trung tâm KNKN tỉnh, Trạm KNKN huyện và các cơ quan trên địa bàn tỉnh tổ chức để nắm bắt kỹ thuật. Chị tâm sự: “Muốn thành công trong sản xuất chăn nuôi thì việc nắm bắt các tiến bộ kỹ thuật rất quan trọng. Vợ chồng tôi cần cù chịu khó nhưng hiểu biết về các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất chăn nuôi cũng còn hạn chế lắm”. Chính từ nguồn thu nhập ổn định từ mô hình kinh tế tổng hợp, gia đình chị đã vươn lên khá giàu. Chị cũng đã xây dựng được nhà cửa khang trang, có điều kiện chăm lo tốt việc học hành cho các con. Không chỉ làm giàu cho gia đình, chị Rạng còn là 1 hội viên phụ nữ gương mẫu ở địa phương. Những chị em có hoàn cảnh, khó khăn, chị luôn sẵn sàng giúp đỡ bằng việc chia sẻ kinh nghiệm, chăn nuôi mà chị tích lũy được sau những tháng ngày tìm tòi, học hỏi để cùng nhau vươn lên thoát nghèo.

Mô hình chăn nuôi kinh tế nông hộ gia đình của chị Hoàng Thị Rạng là một mô hình phù hợp với điều kiện sản xuất ở vùng nông thôn, vừa tận dụng được diện tích sẵn có của nông hộ, nguồn thức ăn là phế phụ phẩm trong nông nghiệp, sử dụng có hiệu quả nguồn lao động nông nhàn ở địa phương mà còn giải quyết triệt để lượng chất thải lớn từ chăn nuôi lợn để nuôi cá, mang lại nguồn thu lớn cho người nông dân và không gây ô nhiễm môi trường. Nhờ lòng quyết tâm hăng say trong lao động, không cam chịu đói nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng, chị Hoàng Thị Rạng là một gương sáng đáng được mọi người học tập và noi theo để thúc đẩy kinh tế hộ phát triển mạnh mẽ hơn nữa, góp phần thay đổi diện mạo làng quê và xây dựng nông thôn mới.

Asic là một công ty hàng đầu trong lĩnh vực cung cấp các sản phẩm, công nghệ và dịch vụ đến với khách hàng, đồng thời là một đối tác tin cậy trong việc cung cấp các dịch vụ chất lượng cao thoả mãn các nhu cầu của thị trường. Với các lĩnh vực chính như: nguồn một chiều và máy đo công suất.

Phan Việt Toàn 

Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư Quảng Trị