Hình thức đầu tư như sau: Công ty thuê đất của ông Nghiệp với giá 35.000.000 đồng/ha/năm, hùn vốn theo tỷ lệ 30-30-40. Tương ứng ông Lương Thế Nghiệp 30%, ông Trần Công Khánh 30% và công ty 40%. Cuối vụ, công ty sẽ tính chi phí đầu ra, lấy phần lời chia theo tỷ lệ như trên.

Ông Nghiệp cho biết Công ty có những yêu cầu khắc khe cho sản phẩm như: nguyên liệu phải sạch, các khâu sản xuất từ đầu đến cuối phải được công ty kiểm định, vùng nguyên liệu tập trung, đất và nước phải phù hợp theo quy định thì mới thực hiện được mô hình này. Sau khi được chọn thực hiện mô hình này thì ông được công ty cung cấp cây giống, lưới, màng phủ, giàn dây leo, hệ thống tưới nhỏ giọt, phân hữu cơ, chế phẩm sinh học để trị côn trùng gây hại do công ty tự chế, máy sấy trái, máy sấy dây khổ qua, chi phí làm nhà dự trữ sản phẩm khổ qua rừng và bao tiêu phẩm.

Trước khi thực hiện mô hình ông cũng được đi tham quan mô hình ở Cần Thơ. Do mới trồng lần đầu tiên chưa có kinh nghiệm nên lúc đầu khổ qua chết nhiều do xử lý đất không đúng kỹ thuật. Tuy nhiên sau khi được công ty hỗ trợ hướng dẫn kỹ thuật nên cây phát triển tốt. Sau 4 tháng cây khổ qua bắt đầu cho thu hoạch, mỗi tháng công ty sẽ trả cho gia đình (2 người) 8.000.000 đồng để chăm sóc và thu hoạch sản phẩm khổ qua rừng.

Ruộng khổ qua của gia đình ông Nghiệp

Đến nay khổ qua trồng được 6 tháng, lúc đầu mỗi ngày ông thu hoạch khoảng 15-20 kg quả tươi. Đến lúc trái rộ ông phải thuê thêm người hái thì mỗi ngày thu được 100 kg trái tươi. Sau khi thu hoạch quả tươi ông tiến hành đem phơi, nếu trời mưa mới cho vào máy sấy. Trung bình 2 kg quả tươi thu được 1 kg quả khô, công ty sẽ thu lại 120.000 đồng/kg quả khô. So với làm ruộng thì trồng khổ qua rừng cho thu nhập ổn định và cao hơn làm ruộng trước đây.

Đây là mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ lúa sang trồng cây dược liệu đạt hiệu quả cao, góp phần bảo vệ môi trường, gia tăng thu nhập, giải quyết được lao động nhàn rỗi tại địa phương và hướng tới một nền nông nghiệp bền vững./.

Ngọc Đồng