Sau nhiều lần tham khảo các mô hình cho hiệu quả kinh tế trong và ngoài huyện, nhận thấy chăn nuôi gà thịt không khó nuôi, hiệu quả kinh tế cao lại phù hợp với điều kiện tự nhiên của gia đình là xa khu dân cư nên vợ chồng anh quyết định lựa chọn nuôi gà là hướng phát triển kinh tế của gia đình. Năm 2014, do thiếu vốn nên vợ chồng anh phải vay mượn người thân trong gia đình để đầu tư san gạt đất và xây dựng chuồng trại nuôi 1.000 gà giống Minh Dư.

Anh Dương chia sẻ: "Chăn nuôi nói chung và đặc biệt là nuôi gà nói riêng đều có rủi ro cao. Để hạn chế rủi ro mức thấp nhất thì người chăn nuôi phải kiểm soát được mọi yếu tố đầu vào. Bên cạnh việc lựa chọn con giống tốt thì công tác tiêm phòng dịch bệnh, tiêu độc khử trùng được đặt lên hàng đầu vì nếu có dịch bệnh xảy ra coi như hỏng cả lứa gà”.

Để nuôi gà đạt hiệu quả cao, anh Dương đã mày mò đi tìm hiểu, học tập kinh nghiệm của các hộ nuôi trước để áp dụng vào gia đình mình. Không những vậy, việc tham gia các lớp tập huấn của cán bộ khuyến nông đã giúp anh được tiếp cận với những tiến bộ kỹ thuật mới, những cách làm hay trong chăn nuôi nhằm đem lại hiệu quả kinh tế cao. Với bản tính cần cù, chịu khó, ham học hỏi nên ngay từ lứa gà đầu tiên đã cho anh thu lãi gần 30 triệu đồng. Thấy đây là hướng đi đúng đắn, tiền lãi sau vài lứa gà được vợ chồng anh tích cóp để đầu tư xây dựng chuồng trại, mở rộng quy mô chăn nuôi. Sau hơn 4 năm “khởi nghiệp” chăn nuôi gà, đến nay gia đình anh đã có 3 khu chuồng nuôi gà với các lứa gà được nuôi kế nhau.

Được cán bộ khuyến nông hướng dẫn, vợ chồng anh làm đệm lót sinh thái cho toàn bộ diện tích chuồng nuôi gà. Theo anh, với cách làm này vừa tiết kiệm được công dọn dẹp chuồng trại, lại vừa hạn chế được dịch bệnh và tận dụng được đệm lót sau mỗi lứa để làm phân bón cho cây trồng. Chỉ tính riêng năm 2017, gia đình anh nuôi được 3 lứa gà, mỗi lứa khoảng 5.000 con, với giá bán trung bình 61.000 đồng/kg sau khi trừ mọi chi phí cũng cho thu lãi khoảng 400 triệu đồng.

Anh Dương chăm sóc đàn gà của gia đình

Không chỉ phát triển chăn nuôi gà, tận dụng diện tích mặt nước ao của gia đình, vợ chồng anh còn đầu tư nuôi 3 lứa ngan thịt mỗi năm, mỗi lứa nuôi khoảng 2.000 con. Đến lứa bán, đàn ngan của gia đình anh được thương lái đến tận nhà mua với giá trung bình là 65.000 đồng/kg, sau khi trừ đi mọi chi phí cũng cho thu lãi hơn 300 triệu đồng.

Cùng với đó, 8 ha rừng keo đang ở tuổi thứ 4 cũng hứa hẹn đem lại nguồn thu đáng kể cho gia đình anh. Với ý chí quyết tâm làm giàu, trong thời gian tới anh dự định mở rộng diện tích ao nuôi hiện có để tăng quy mô nuôi ngan lên 3.000 con/lứa cũng như cải tạo diện tích đồi rừng ven nhà để đầu tư xây dựng thêm 4 khu chuồng nuôi gà thịt với quy mô 3.000 con/lứa/chuồng.

Với nỗ lực phấn đấu không ngừng, ý chí và nghị lực chàng thanh niên Nguyễn Văn Dương đã biết vượt qua khó khăn, vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương bằng chính sức lực, trí tuệ ý chí dám nghĩ, dám làm của mình. Anh Dương đã thành công với mô hình chăn nuôi tổng hợp, là tấm gương điển hình về phát triển kinh tế cho các hộ khác học tập và làm theo./.

Nguyễn Thị Minh Phượng

Trung tâm Khuyến nông tỉnh Yên Bái