Trong tiết trời se lạnh, ngồi nhâm nhi bên tách trà nóng, anh Khương chia sẻ, anh sinh ra ở huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên, năm 1990, anh theo gia đình lên Yên Bái lập nghiệp. Đến năm 2003, anh cưới vợ và ra ở riêng với ba sào ruộng bố mẹ cho. Ngoài việc chăm sóc ba sào ruộng, anh còn tranh thủ thu mua một số sản phẩm nông nghiệp đem bán ở các chợ, vợ anh thì chăn nuôi thêm lợn, gà để có thu nhập. Mặc dù đã rất cố gắng nhưng sự ra đời và lớn dần lên của 2 đứa con, mà thu nhập của gia đình anh làm ra không đủ chi tiêu cho cuộc sống hàng ngày.

Khó khăn cũng không làm anh chùn bước. Năm 2010 sau một lần về thăm quê thấy người chú trồng cam rất hiệu quả. Anh đã học hỏi kinh nghiệm của chú mình ,đồng thời mạnh dạn vay vốn mua ít giống về trồng thử. Năm đầu anh đã mua 150 gốc cam đường canh về trồng trên diện tích ruộng kém hiệu quả của gia đình mình.

Tuy nhiên khi mang cam giống về trồng thì lãnh đạo địa phương đã có ý kiến phản đối việc chuyển đổi diện tích ruộng của nhà anh sang trồng cam. Nhờ sự quyết tâm và sự giúp đỡ tận tình của bố anh – ông đã lên xã ký cam kết để chuyển đổi diện tích ruộng kém hiệu quả của gia đình sang trồng cam. Sau 2 năm cần cù, chịu khó, vườn cam đã bắt đầu cho thu hoạch. Vụ đầu tiên vườn cam cho thu trên 1 tấn quả. Là diện tích mới trồng, thị trường tiêu thụ chưa có, thương lái chưa biết để thu mua, nên anh đã phải tự chở cam đi bán, đồng thời giới thiệu sản phẩm của gia đình làm ra. Vụ cam đầu tiên anh đã thu được 32 triệu đồng. Số tiền tuy ít nhưng cũng đã tạo động lực cho anh tiếp tục ước mơ của mình.

Với ý chí và nghị lực cùng sự giúp đỡ của gia đình, bạn bè, anh tiếp tục đầu tư chăm sóc, tìm đến nhiều nơi để học hỏi kinh nghiệm và áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào vườn cam của gia đình. Đất không phụ công người, thu lãi hàng năm tăng dần, năm thứ hai vườn cam cho thu nhập 72 triệu đồng, năm thứ ba 112 triệu đồng…

Nhận thấy hiệu quả của việc trồng cam đem lại, vợ chồng anh bàn với nhau mở rộng quy mô. Đã có chút vốn cộng với việc vay thêm anh em bạn bè, anh mua đất đồi rừng để trồng thêm cam và một số cây lâm nghiệp khác. Hiện gia đình anh đã có trên 10 ha rừng trồng bồ đề, quế, keo đã được 3 năm tuổi cùng với 7 ha trồng cam, trong đó có 1.000 gốc cam đường canh, 1.000 gốc cam V2, 500 gốc cam lòng vàng và khoảng 1.000 gốc cam sành. Mỗi giống cam cho thu hoạch vào từng thời điểm khác nhau giúp anh gối vụ, nâng cao hiệu quả sản xuất. Ngoài công lao động của vợ chồng anh cũng phải thuê thêm 5-7 nhân công lao động theo mùa vụ. Những thời điểm cam chín rộ phải thuê đến 10 lao động để thu hoạch và phát cỏ và cắt tỉa cành, chăm sóc, bón phân chuẩn bị cho vụ sau.

Thời điểm này anh có trên 1 ha cam đường canh đang cho thu hoạch, dự kiến thu khoảng 14-15 tấn quả . Với giá bán trung bình 25.000 đồng/kg, trừ chi phí, cho lãi gần 300 triệu đồng. Để thuận tiện cho việc vận chuyển cam bán cho các chợ đầu mối, ngay đầu năm 2016 gia đình anh đã đầu tư mua 1 chiếc xe ô tô tải 1,4 tấn.

Anh Lương Đình Khương bên vườn cam đang cho thu hoạch

Ngoài việc chăm sóc vườn cam, thời gian còn lại vợ chồng anh thu mua măng tươi, quế, chè theo thời vụ bán cho thương lái để tăng nguồn thu. Tận dụng đất vườn rừng anh đầu tư nuôi hàng trăm con gà để có nguồn thức ăn phục vụ cho gia đình và cho nhân công lao động của mình.

Những nỗ lực không ngừng của anh Khương trong phát triển kinh tế đã được ghi nhận bằng kinh tế gia đình vững vàng. Và hơn hết những kinh nghiệm quý báu trong sản xuất đã được anh Khương chia sẻ cho bà con cùng phát triển kinh tế tại địa phương.

Nói về anh Khương, ông Phạm Văn Toàn – chủ tịch UBND xã Hồng Ca cho biết: “Hộ gia đình anh Lương Đình Khương là một tấm gương điển hình về sản xuất kinh doanh giỏi. Tới đây xã sẽ thường xuyên phối hợp với các ngành liên quan, nhất là ngành nông nghiệp, các tổ chức tín dụng và quỹ hỗ trợ nông dân để hỗ trợ, đầu tư xây dựng một số mô hình mới, đồng thời duy trì nhân rộng các mô hình hiện đang có hiệu quả cao nhằm tạo điều kiện cho nông dân nâng cao thu nhập”.

Anh Khương cũng chia sẻ thêm, hiện nay nguồn nước cung cấp cho vườn cam của anh đang được lấy từ bể xây trên đồi và được tưới bằng lao động thủ công, chưa có máy móc. Anh mong sẽ nhận được sự hỗ trợ của các cấp, các ngành, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng có thẩm quyền cho anh vay thêm vốn để đầu tư hệ thống máy tưới nước tự động cho cam, giúp giảm chi phí nhân công lao động. Đồng thời tiến hành xây dựng thương hiệu cam sạch đảm bảo theo tiêu chuẩn VietGAP cho vườn cam của anh, giúp nâng cao giá trị sản phẩm đã làm ra.

Bằng sức lao động và tinh thần tự lực vươn lên, anh Lương Đình Khương xứng đáng là tấm gương điển hình trong phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi tại xã Hồng Ca, huyện Trấn Yên và là động lực để các hộ nông dân trong xã phấn đấu góp phần tích cực trong công cuộc xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

 Nguyễn Thị Xuân

Trung tâm Khuyến nông tỉnh Yên Bái