Mô hình Cánh đồng mẫu lớn "Liên kết sản xuất theo chuỗi gắn với bao tiêu sản phẩm" sản xuất thâm canh cây lạc tại xã Cát Tài, Phù Cát - Nông dân Cát Tài đang thu hoạch lạc để bán cho doanh nghiệp

Sau thành công bước đầu ở vụ sản xuất đông xuân 2014-2015 của mô hình liên kết sản xuất cây lạc; vụ hè thu 2015, với sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư Bình Định, Trạm Khuyến nông huyện Phù Cát, bà con nông dân xã Cát Tài tiếp tục thực hiện mô hình cánh đồng mẫu lớn với hình thức “Liên kết sản xuất theo chuỗi gắn với bao tiêu sản phẩm” thâm canh cây lạc với qui mô diện tích 30 ha, bằng giống lạc L14. Công ty TNHH Công nghệ thực phẩm Tất Thắng (Đắk Nông) ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm của mô hình. 

Bà con nông dân tham gia mô hình được hỗ trợ kinh phí mua lạc giống, tập huấn kỹ thuật sử dụng chế phẩm Trichoderma phòng trừ bệnh chất ẻo và bộ chế phẩm của Công ty TNHH Hóa nông Hợp Trí cho cây lạc. Dù thời tiết vụ hè nắng hạn kéo dài, làm ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của cây lạc, tuy nhiên nhờ được đầu tư chăm sóc ngày từ đầu vụ nên năng suất lạc tại mô hình vẫn đạt bình quân 70 tạ/ha (lạc tươi), tăng hơn 15-20 tạ/ha so đối chứng ngoài mô hình.

Từ ngày 16-24/7 vừa qua, bà con nông dân tham gia mô hình đã thu hoạch và bán cho Công ty TNHH Công nghệ thực phẩm Tất Thắng theo hợp đồng đã ký được 185 tấn. Với giá bán 10.500 đồng/kg thu nhập bình quân mỗi héc-ta lạc đạt hơn 73.500.000 đồng. Sau khi trừ chi phí, bà con thu lãi hơn 25 triệu đồng/ha, lợi nhuận trung bình cao hơn ruộng ngoài mô hình gần 10 triệu đồng/ha. Mô hình không chỉ giúp tăng năng suất và sản lượng, giá bán tương đối cao và ổn định, tăng thu nhập trên một diện tích đất canh tác, mà qua đó rút ngắn được thời vụ sản xuất từ 10-15 ngày, từ đó có thể luân canh, tăng vụ, giảm bớt rủi ro trong sản xuất nông nghiệp.

Việc được Công ty TNHH Công nghệ thực phẩm Tất Thắng thực hiện ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm ngay từ đầu vụ đã giúp bà con nông dân mạnh dạn hơn khi tham gia sản xuất tại mô hình. Theo đó, diện tích lạc được trồng đạt 31 ha so với kế hoạch ban đầu là 30 ha. Bà con cũng tích cực đầu tư chăm sóc nên cây lạc sinh trưởng và phát triển tốt, đạt năng suất khá. Bà con nông dân cũng đã nghiêm chỉnh thực hiện cam kết, bán toàn bộ sản phẩm cho doanh nghiệp qua đó có thu nhập cao hơn.

Mô hình tiếp tục cho thấy hiệu quả của liên kết 4 nhà trong sản xuất theo hình thức “Liên kết sản xuất theo chuỗi gắn với bao tiêu sản phẩm”; đã nâng cao giá trị sản phẩm nông sản theo hướng sản xuất hàng hóa, giúp bà con chủ động trong sản xuất, hiệu quả sản xuất được nâng cao, tăng thu nhập ổn định, đời sống được cải thiện và sản xuất phát triển bền vững.

Phan Thanh Sơn

Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư Bình Định