Mô hình được thực hiện theo hình thức nuôi kết hợp. Theo đó, cá nàng hai sẽ được thả trong vèo lưới, còn cá sặc rằn sẽ được thả bên ngoài vèo nhằm tận dụng thức ăn dư thừa của cá nàng hai, giảm chi phí xử lý môi trường cũng như tăng thêm thu nhập cho người nuôi từ sản lượng cá sặc rằn thu được.

Ông Phan Hữu Danh đang cho cá ăn

 

Tại buổi hội thảo, mô hình đều đạt yêu cầu đề ra. Trong quá trình nuôi, cá nàng hai và cá sặc rằn đều tăng trưởng tốt. Sau thời gian nuôi 7 tháng, cá nàng hai đạt khối lượng 200 gam/con, tỷ lệ sống 85 %. Cá sặc rằn đạt trọng lượng 63 gam/con, tỷ lệ sống 80%. Ước tính lợi nhuận sau 7 tháng nuôi đạt trên 2 triệu đồng.

Phát biểu tại buổi hội thảo, đa số đại biểu đều cho rằng cá nàng hai và cá sặc rằn phù hợp với điều kiện nuôi địa phương, dễ nuôi, cá ít bệnh và tỉ lệ hao hụt thấp. Việc Trung tâm Khuyến nông tỉnh An Giang trình diễn mô hình nuôi cá nàng hai kết hợp cá sặc rằn sẽ tạo điều kiện cho bà con nông dân học hỏi, trao đổi kinh nghiệm để làm cơ sở phát triển mô hình trong thời gian tới. Tuy nhiên, khó khăn của mô hình là cá nàng hai chủ yếu tiêu thụ nội địa, nhu cầu không lớn nên khi sản lượng nuôi vượt cầu khiến giá giảm mạnh. Vì vậy người nuôi cần tìm hiểu thị trường trước khi nuôi tránh nuôi ồ ạt làm giá cá thương phẩm thấp, cho hiệu quả kinh tế không cao.

Thành công của mô hình đã giúp người nuôi cá tại địa phương có thêm đối tượng nuôi mới. Tùy vào điều kiện nông hộ, đối tượng này có thể được phát triển ở quy mô thâm canh để mang lại hiệu quả kinh tế.

Nguyễn Thị Khiếm

Trạm Khuyến nông huyện Châu Phú, An Giang