Nhằm giữ gìn và phát triển vùng chè truyền thống của địa phương, năm 2003, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh đã đưa giống chè Bát Tiên về trồng thử nghiệm tại thôn Đồng Giang, thị trấn Thanh Sơn. Do điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp nên cây chè Bát Tiên phát triển tốt và dần khẳng định được hiệu quả kinh tế. Sản phẩm chè búp khô có hương vị đặc trưng riêng, được nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng. Vì vậy giống chè này được người dân dần mở rộng sản xuất.   Đến nay, toàn huyện có gần 30 ha chè Bát Tiên, tập trung chủ yếu ở thị trấn Thanh Sơn và một số xã lân cận. Trung bình năng suất chè khô ước đạt 14 tạ/ha, với giá bán dao động từ 200.000- 250.000 đồng/kg, ước tính người trồng chè thu lãi trên dưới 200 triệu đồng/ha/năm.

Theo lãnh đạo UBND thị trấn Thanh Sơn, hiện toàn thị trấn có khoảng hơn 12 ha chè Bát Tiên, trong đó diện tích chủ yếu được trồng tại thôn Đồng Giang. Từ khi  cây chè Bát Tiên được đưa vào trồng trên địa bàn đã giúp nhiều hộ gia đình vươn lên thoát nghèo, có nguồn thu nhập khá. Với những hiệu quả thiết thực đó nên ban lãnh đạo thị trấn đã họp bàn để xác định, lựa chọn và thống nhất đưa cây chè Bát Tiên là sản phẩm đặc trưng, thế mạnh của địa phương theo Đề án "chương trình Quốc gia mỗi xã một sản phẩm" của tỉnh triển khai năm 2017.

Ông Nguyễn Quang Sơn, một trong những hộ gia đình tiêu biểu tham gia trồng chè Bát Tiên tại thị trấn Thanh Sơn chia sẻ: “Giống chè này có mùi vị thơm ngon, tác dụng thanh nhiệt, đặc biệt không lắng cặn và không làm ố hay vàng ấm chén nên bán được giá cao, sản phẩm tiêu thụ thuận lợi, cơ bản là các khách quen trong và ngoài tỉnh đặt mua hết. Năm ngoái, gia đình tôi thu được 7 tạ chè búp khô, trừ chi phí thu lãi gần 100 triệu đồng”.

Với hương vị đặc trưng riêng so với những loại chè khác có thể khẳng định cây chè Bát Tiên đã "bén duyên" và "cắm rễ " bền chặt nơi vùng cao Sơn Động. Tuy nhiên, để sản phẩm có uy tín trên thị trường, phát triển bền vững thì người dân cần tập trung vào sản xuất theo hướng an toàn, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Thực hiện quy hoạch vùng sản xuất chè tập trung, mở rộng diện tích trồng mới, thâm canh, cải tạo phục hồi các nương chè đã có để nâng cao năng suất, chất lượng chè búp tươi. Bên cạnh đó cần có chính sách hỗ trợ cho việc xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm, tìm đầu ra ổn định, nâng cao hiệu quả sản xuất.

Xác định rõ lợi thế và giá trị kinh tế của cây chè Bát Tiên, UBND huyện Sơn Động đang phối hợp với Sở Khoa học và công nghệ tỉnh chuẩn bị các điều kiện để triển khai trồng tập trung hơn 100 ha chè theo quy trình an toàn vệ sinh thực phẩm, từng bước xây dựng thương hiệu chè Bát Tiên Sơn Động. Mong rằng với sự vào cuộc tích cực của các cấp ủy Đảng, chính quyền cùng sự đồng thuận của người dân trong sản xuất sẽ giúp thương hiệu chè Bát Tiên Sơn Động ngày càng "vang danh" trên thị trường trong và ngoài tỉnh.

Kim Lan

Trung tâm Khuyến nông Bắc Giang