Điển hình trong số đó là mô hình nuôi tôm siêu thâm canh trong hồ nổi theo công nghệ biofloc của công ty TNHH Một thành viên Long Mạnh (Doanh nghiệp khoa học công nghệ) tại ấp 15, xã Vĩnh Hậu A, huyện Hòa Bình. Mô hình này có nhiều ưu điểm vượt trội hơn so với mô hình nuôi tôm siêu thâm canh trong ao đất phủ bạt.

Từ tư duy dám nghĩ dám làm

Xuất phát từ một cán bộ kỹ thuật trong ngành nông nghiệp, anh Long Văn Nghĩa - Trưởng phòng kỹ thuật Công ty Long Mạnh luôn tìm tỏi những mô hình sản xuất hiệu quả, nhằm từng bước cải thiện, nâng cao hiệu quả kinh tế gia đình. Sau khi đi tham quan nhiều nơi, anh nhận ra rằng nếu áp dụng hình thức nuôi tôm thẻ chân trắng trong bể nổi theo công nghệ biofloc sẽ giúp quản lý hoạt động tôm nuôi, môi trường nước được tốt hơn từ đó nâng cao tỉ lệ sống, năng suất, chất lượng của tôm nuôi. Cũng theo anh Nghĩa, những mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh hiện nay (nuôi tôm trong ao đất, nuôi tôm trong ao đất trải bạt...), người nuôi tôm gặp khó khăn trong việc quản lý diễn biến môi trường trong ao. Hơn nữa, hạn chế của mô hình nuôi tôm bằng ao đất trải bạt là dịch bệnh bên ngoài có thể thẩm thấu qua lớp bạt vào môi trường ao nuôi, khiến nước trong môi trường ao nuôi biến động, bất lợi cho con tôm. 

Mô hình nuôi tôm siêu thâm canh trong hồ nổi tròn

Theo đánh giá của một số chuyên gia ngành thủy sản, nuôi tôm theo công nghệ biofloc có những ưu điểm vượt trội: Ammonia tự do (dạng khí độc đối với thủy sản nuôi) trong nước được chuyển hóa thành protein trong sinh khối vi sinh vật dị dưỡng, tập hợp thành biofloc lơ lửng trong nước và chúng sẽ trở thành thức ăn cho tôm nuôi; từ đó  nâng cao mức độ an toàn sinh học, giảm rủi ro lây nhiễm bệnh do không hoặc ít phải thay nước trong các ao nuôi tôm thâm canh – bán thâm canh.

Sau thời gian chuẩn bị các điều kiện cần thiết, năm 2017, Công ty Long Mạnh đã đầu tư hơn 1,2 tỉ đồng để xây dựng khu nuôi tôm thẻ chân trắng theo công nghệ biofloc trong hồ nổi bao gồm: 04 hồ nuôi tôm với diện tích 500 m2 /hồ và 02 hồ gièo với diện tích 100 m2/hồ; hệ thống ao cấp, xử lý nước và các trang thiết bị máy móc cần thiết trên diện tích 2 ha. Hồ tròn, dựng từ khung thép phủ bạt HDPE có đáy dạng hình phễu, vách đứng.

Quy trình nuôi đang được áp dụng tại Công ty là nuôi 02 giai đoạn: Giai đoạn 1, ương gièo với mật độ 5.000 con/m3, ương từ 20-30 ngày đến khi tôm đạt cỡ khoảng 2.500 - 3.000 con/kg. Giai đoạn 2, thả nuôi với mật độ 300 - 500 con/m3. Ưu điểm của mô hình này là nuôi đạt tỷ lệ sống của tôm rất cao từ 90 -100% do công ty sử dụng quạt đảo nước liên tục, lắp đặt hệ thống tuần hoàn nên tiết kiệm được lượng nước sử dụng, hạn chế sử dụng khoáng chất, tại mỗi ao nuôi lắp hệ thống quan trắc tự động các yếu tố môi trường (pH, oxy hòa tan, độ kiềm....), xiphon tự động, từ đó kiểm soát chất lượng nước tốt hơn.

Gặt hái thành công ngoài mong đợi

Đến nay, Công ty đã nuôi thành công được 02 vụ với sản lượng tôm thu hoạch hơn 13 tấn. Giá bán bình quân là 150 nghìn đồng/kg, hệ số thức ăn 1.1, sau khi trừ các khoản chi phí, lợi nhuận gần 850 triệu đồng. Hiện tại, Công ty còn 2 hồ có tôm trên 50 ngày tuổi đang phát triển tốt, đặc biệt là không sử dụng thuốc kháng sinh trong quá trình nuôi nên tôm nguyên liệu thu được là tôm sạch, đảm bảo đáp ứng được những thị trường khó tính.

Anh Long Văn Nghĩa khẳng định, hồ tròn nên khi vận hành quạt nước tạo lực ly tâm cao, vì vậy các chất thải được gom vào chính giữa, rất thuận tiện cho việc xiphon, quản lý môi trường nước tốt. Với diện tích hồ trung bình là 500m2 nên sử dụng dàn quạt ít hơn, chỉ cần 02 dàn quạt cho 01 hồ, từ đó tiết kiệm chi phí nhiên liệu và nhân công vận hành hệ thống nuôi. Nuôi theo công nghệ biofloc giảm chi phí thức ăn, thuốc, kháng sinh; từ đó nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như góp phần bảo vệ môi trường xung quanh, hướng tới giúp nghề nuôi tôm ngày càng bền vững hơn.

Theo đánh giá của Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh: Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng công nghệ biofloc trong hồ nổi tròn có nhiều ưu điểm vượt trội, vì có khả năng ứng dụng công nghệ 4.0 vào quy trình quản lý nhằm hiện đại hóa nghề nuôi để Bạc Liêu trở thành trung tâm công nghiệp tôm của cả nước. Với thành công của mô hình này sẽ giúp mở ra hướng đi mới cho nghề nuôi tôm nước lợ trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu nói riêng và cả nước nói chung trong thời gian tới ngày càng bền vững hơn.

Trần Thiện

Chi cục Thủy sản tỉnh Bạc Liêu