Vụ thu đông 2016, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bắc Ninh đã xây dựng mô hình trồng cây dược liệu cà gai leo. Mô hình đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần đa dạng hoá sản phẩm cây trồng nhằm thay thế một số loại cây rau màu kém hiệu quả tại Bắc Ninh.

Được triển khai từ tháng 8 với diện tích 1,5 ha tại thôn Môn Quảng, xã Lãng Ngâm, huyện Gia Bình và thôn Rền, xã Cảnh Hưng, huyện Tiên Du. Tham gia mô hình các hộ nông dân được hỗ trợ 70% chi phí mua giống, 30% vật tư và được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn về đặc tính nông học của cây cà gai leo, quy trình kỹ thuật làm đất, cung ứng cây giống, chăm sóc…

Thăm mô hình trồng cây cà gai leo tại Bắc Ninh

Anh Ngô Đắc Luật ở thôn Rền, xã Cảnh Hưng, huyện Tiên Du, một trong các hộ tham gia mô hình cho biết: “Trước đây, gia đình tôi trồng cây ngô, lạc ở khu đất này nhưng hiệu quả kinh tế thấp. Sau khi tham gia mô hình, được sự hướng dẫn tận tình của cán bộ kỹ thuật tỉnh, huyện, tôi đã mạnh dạn trồng thử nghiệm với diện tích 1 sào (360m2), mật độ 50.000 cây/ha. Cây sinh trưởng, phát triển tốt, khả năng chống chịu sâu bệnh tốt. Đến nay, sau 6 tháng triển khai mô hình, cây cà gai leo đã cho thu hoạch. Với loại cây này, người trồng chỉ việc trồng một lần và được thu hoạch trong 3 năm mới phải trồng lại, mỗi năm được thu hoạch 3 lần. Trong lần thu hoạch đầu tiên gia đình tôi thu hoạch được 47 kg cây khô, với giá bán lẻ 100.000 đồng/kg, gia đình tôi thu được gần 4 triệu đồng, nếu tính ra thì trồng loại cây này cho thu nhập cao gấp 2 đến 3 lần cấy ngô trên cùng một đơn vị diện tích đất canh tác”. 

Cà gai leo là 1 loại cây thân leo, lá xanh sẫm, nhiều gai màu vàng và quả chín màu đỏ. Cây cà gai leo dùng để nấu nước uống chữa phong thấp, chống u và có tác dụng giải rượu, giải độc gan nên được nhiều người ưa chuộng. Cà gai leo là cây dễ trồng và chăm sóc đơn giản. Cây có thể trồng quanh năm, nhưng tốt nhất nên trồng vào mùa xuân từ tháng 2 đến tháng 5 âm lịch và mùa thu trồng từ tháng 7 đến tháng 10 âm lịch. Có 2 cách trồng cà gai leo: Ươm hạt hoặc giâm cành. Quá trình chăm sóc cho đến lúc thu hoạch chủ yếu bón phân chuồng, tưới nước và làm cỏ là chính. 1 năm, cà gai leo cho thu hoạch 2 vụ. Khi thu hoạch cắt lấy phần thân cây và để chìa lại khoảng 5- 10cm cho cây tiếp tục sinh trưởng tiếp. Đặc biệt, cây cà gai leo nếu chăm sóc tốt, đủ dinh dưỡng có thể thu hoạch tới 3 năm mới phải dỡ đi trồng lại.

Theo ông Trần Xuân Dẫn - Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh, hiện nay, cây dược liệu cà gai leo đang được quan tâm và phát triển vì khả năng chữa bệnh rất tốt và không gây tác dụng phụ như 1 số loại thuốc tây, có thể điều trị được một số bệnh nan y, hiệu quả lâu dài. Mô hình cây cà gai leo bước đầu cho thấy khả  năng thích nghi với điều kiện đất và khí hậu tại địa phương nên cho năng suất khá ổn định. Tuy nhiên trong quá trình trồng và chăm sóc phải lưu ý trồng theo hàng để dễ làm cỏ, bón phân, đồng thời chú ý phòng trừ bệnh sâu bệnh. Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục triển khai và khuyến khích các hộ dân tiếp tục mở rộng diện tích trồng cây cà gai leo để từng bước xây dựng được vùng sản xuất tập trung.

Mô hình trồng cây dược liệu hiện còn rất mới đối với người dân trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh. Những mô hình này không chỉ có ý nghĩa về mặt kinh tế mà còn có giá trị về mặt y dược. Với việc trồng thử nghiệm thành công các mô hình được liệu này, sẽ giúp người nông dân trên địa bàn huyện tiếp cận với các cây trồng có giá trị dược liệu kinh tế cao; đồng thời yên tâm mở rộng phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập đời sống.

                                                                                                Nguyễn Hoài

Trung tâm Khuyến nông Bắc Ninh