Xác định việc đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật và những giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao phù hợp với nhu cầu thị trường vào sản xuất luôn là một đòi hỏi cấp thiết, thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bắc Ninh đã thường xuyên chú trọng làm tốt công tác tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho bà con. Các nội dung tập huấn được Trung tâm chủ động xây dựng từ đầu năm trên cơ sở đặc điểm địa phương, nhu cầu thực tế của người dân trong quá trình sản xuất… Chỉ tính riêng trong năm 2017 và 6 tháng đầu năm 2018, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bắc Ninh đã tổ chức hơn 180 lớp chuyển giao tiến bộ kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản cho khoảng trên 15.000 lượt nông dân, cộng tác viên khuyến nông cơ sở… Tại các buổi tập huấn, cán bộ của Trung tâm đã áp dụng nhiều biện pháp tập huấn; trong đó hướng mạnh vào việc tập huấn trực quan, trao đổi kinh nghiệm và gợi mở thảo luận về các nội dung mà học viên quan tâm. Bên cạnh đó, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bắc Ninh cũng tổ chức 16 hội nghị đầu bờ với sự tham gia của gần 2.100 lượt người. Các hội nghị đều gắn với những mô hình khuyến nông, nhằm đánh giá kết quả đạt được và tuyên truyền nhân ra diện rộng những mô hình có hiệu quả cao. Chị Nguyễn Thị Bé, một người dân ở xã Chi Phương, huyện Tiên Du (Bắc Ninh) chia sẻ: “Những nội dung cán bộ khuyến nông hướng dẫn cho chúng tôi rất thiết thực, bổ ích. Nhờ sự hướng dẫn đó, gia đình tôi đã thực hiện thành công mô hình trồng nấm sò, nấm mỡ… Đến nay, bình quân hàng tháng, vợ chồng tôi thu được từ 12 - 15 triệu đồng từ tiền bán nấm các loại”.

Đặc biệt, thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bắc Ninh cũng thường xuyên làm tốt việc xây dựng các mô hình khuyến nông. Bám sát chủ trương và định hướng phát triển nông nghiệp của địa phương, Trung tâm đã tập trung chỉ đạo xây dựng nhiều mô hình trình diễn các tiến bộ kỹ thuật về giống, biện pháp thâm canh mới trên các lĩnh vực sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản. Từ năm 2017 đến nay, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bắc Ninh đã phối hợp với Trạm Khuyến nông các huyện, thị xã, thành phố triển khai xây dựng được 15 mô hình trình diễn từ nguồn kinh phí của tỉnh bao gồm 05 mô hình lúa vụ xuân, 04 mô hình lúa vụ mùa, 06 mô hình cây rau màu vụ đông. Nhìn chung, các mô hình về trồng trọt đều đạt kết quả tốt, nhiều mô hình được bà con quan tâm, nhân rộng trong sản xuất. Nổi bật là mô hình cấy lúa theo “Phương pháp hiệu ứng hàng biên” đã được đánh giá cao về hiệu quả kinh tế, kỹ thuật và đang được bà con áp dụng rộng rãi vào sản xuất.

Mô hình chăn nuôi lợn rừng thương phẩm theo quy trình ATSH tại huyện Tiên Du 

Cùng với những mô hình được xây dựng từ nguồn kinh phí của tỉnh, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bắc Ninh còn chủ động phối hợp cùng các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất, kinh doanh giống cây trồng trong và ngoài tỉnh triển khai 09 mô hình khảo nghiệm giống cây trồng mới như: Mô hình lúa thuần (TBR 279, Đông A1), lúa lai (Phúc Thái 168, KHT3301), lúa nếp (A sào, NTB 47), ngô nếp TA 898… Đây là cơ sở để Trung tâm lựa chọn các giống cây trồng phù hợp với thổ nhưỡng, điều kiện canh tác của địa phương để bổ sung vào cơ cấu giống trong những năm tới.

Đối với lĩnh vực chăn nuôi, thủy sản, Trung tâm đã thực hiện được 10 mô hình qua đó trực tiếp góp phần thúc đẩy người dân tích cực áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào quá trình sản xuất; tạo chuyển biến về nhận thức trong sản xuất sản phẩm bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Tiêu biểu như mô hình chăn nuôi thỏ sinh sản Newzealand White an toàn sinh học (ATSH); mô hình chăn nuôi lợn rừng thương phẩm theo quy trình ATSH; mô hình chăn nuôi gà lai Hồ thương phẩm theo quy trình ATSH; mô hình nuôi ếch công nghiệp trong lồng lưới; mô hình thâm canh cá rô phi đơn tính; mô hình nuôi tôm càng xanh toàn đực… Trong đó, riêng với mô hình chăn nuôi gà lai Hồ thương phẩm theo quy trình ATSH được Trung tâm triển khai từ tháng 9/2017 tại các huyện như Lương Tài, Thuận Thành, Quế Võ, Yên Phong… Mô hình có 14 hộ tham gia với quy mô 8.500 con. Tỷ lệ sống đạt trên 95%, gà sinh trưởng phát triển tốt, tăng trọng nhanh, trọng lượng trung bình sau 3,5 tháng đạt 2,6 kg/con, với giá xuất bán bình quân là 90.000 - 95.000 đồng/kg; lợi nhuận thu được cao hơn nhiều so với các giống gà truyền thống khác. Hay với mô hình chăn nuôi lợn rừng thương phẩm theo quy trình ATSH được thực hiện tại huyện Tiên Du từ tháng 7/2017; quy mô 80 con. Qua thực hiện, tỷ lệ nuôi sống đạt 97,5%; đàn lợn sinh trưởng tốt, sức đề kháng cao; khối lượng xuất chuồng đạt 40 - 45 kg/con với giá bán bình quân là 120.000 đồng/kg lợn hơi.

Theo ông Nguyễn Hữu Trượng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Ninh, thời gian qua, các chương trình hoạt động khuyến nông cơ bản đã được Trung tâm Khuyến nông tỉnh tổ chức thực hiện đúng tiến độ, đảm bảo mục tiêu, kế hoạch, hiệu quả. Hầu hết các mô hình khuyến nông đều được tổ chức hội nghị đầu bờ nhằm kịp thời đánh giá kết quả thực tế và nhân rộng trong sản xuất. Công tác khuyến nông được đẩy mạnh theo hướng toàn diện đã góp phần quan trọng trong những kết quả phát triển nông, lâm, thủy sản của toàn tỉnh Bắc Ninh nói chung.

Chia sẻ về những phương hướng trong thời gian tới, ông Vũ Thái Ninh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bắc Ninh cho biết, trên cơ sở những kết quả chủ yếu đã đạt được, Trung tâm sẽ tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động, phát huy tính chủ động, sáng tạo trong xây dựng các mô hình khuyến nông gắn với thực tiễn địa phương. Đồng thời, đẩy mạnh hơn nữa công tác tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho người sản xuất; góp phần thúc đẩy nông nghiệp của tỉnh Bắc Ninh phát triển theo hướng nông nghiệp đô thị, bền vững, an toàn./.

Tạ Quang Đạo