ST24 là giống lúa thuần do nhóm tác giả Hồ Quang Cua nghiên cứu chọn tạo và được đặc cách công nhận giống lúa Quốc gia tháng 3/2019. Năm 2017 giống lúa ST24 đã được nằm trong trong top 3 “Gạo ngon nhất thế giới" tại Hội nghị quốc tế lần 9 về Thương mại Gạo - Ma Cao - Trung Quốc, giải Nhất tại Festival lúa gạo lần thứ III năm 2018.

Mặc dù ST24 là giống lúa mới được trồng chủ yếu ở các tỉnh thuộc Đồng bằng Sông Cửu Long nhưng với chất lượng gạo ngon và giá trị kinh tế cao nên việc triển khai mô hình sản xuất lúa ST24 của Trung tâm gặp rất nhiều thuận lợi. Tham gia mô hình, các hộ dân ngoài được hỗ trợ 50% giá giống, 50% lượng vật tư phân bón còn được tham dự lớp tập huấn kỹ thuật do Trung tâm Khuyến nông và PTNN công nghệ cao tổ chức.

Có thể nói mặc dù lúa ST24 lần đầu được gieo trồng trên mảnh đất Bắc Ninh nhưng cây lúa vẫn sinh trưởng, phát triển tốt, đẻ nhánh tương đối khỏe, bộ lá đứng, lâu tàn, không nhiễm bệnh đạo ôn, nhiễm nhẹ bệnh khô vằn và một số sâu bệnh khác. Người dân tham gia mô hình đã áp dụng rất tốt những yêu cầu kỹ thuật của mô hình như: mật độ cấy thưa từ 20-25 khóm/m2, làm cỏ bằng tay, áp dụng các biện pháp thủ công để bắt, bẫy dẫn dụ ốc biêu vàng... Khi lúa bị sâu bệnh gây hại thì sử dụng thuốc trừ sâu bệnh sinh học để phun phòng trừ.

Mô hình sản xuất lúa ST24 theo hướng hữu cơ tại xã Nội Duệ

 

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Mạnh Hải, Tổ trưởng tổ hợp tác thôn Lộ Bao, xã Nội Duệ cho biết: “Sau khi tiếp nhận mô hình sản xuất lúa ST24 theo hướng hữu cơ của Trung tâm Khuyến nông và PTNN công nghệ cao để triển khai, lúc đầu tôi cũng rất lo lắng vì mô hình không chỉ sử dụng giống lúa hoàn toàn mới ST24 mà còn yêu cầu người dân sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh SH06 và thuốc phòng trừ sâu bệnh sinh học cho cả quá trình sinh trưởng phát triển của cây lúa. Nhưng giờ đây, nhìn những nụ cười của bà con khi thu hoạch lúa tôi rất vui mừng vì lúa ST24 không những sinh trưởng phát triển tốt, ít sâu bệnh mà năng suất đạt trung bình 45,9 tạ/ha, sau khi trừ chi phí người dân thu được khoảng 16,5 triệu đồng/ha. Tuy nhiên nhược điểm duy nhất của giống lúa ST24 là thời gian trỗ kéo dài khoảng 10-15 ngày”.

Thành công bước đầu của mô hình sản xuất lúa ST24 theo hướng hữu cơ vụ xuân 2021 đã mang lại lợi ích nhiều mặt. Ngoài hiệu quả kinh tế mô hình còn có tác động lớn về mặt môi trường - xã hội và thay đổi nhận thức của cộng đồng. Tham gia mô hình này đa số các hộ dân tại địa phương cũng đã cảm nhận được tầm quan trọng trong việc áp dụng những tiến bộ KHKT mới vào sản xuất. Đồng thời cũng nhận ra nguy cơ của việc lạm dụng phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật hóa học… trong sản xuất. Đây cũng là tiền đề để địa phương hướng tới mở rộng diện tích sản xuất lúa hữu cơ nhằm nâng cao chất lượng nông sản và giá trị trên một đơn vị diện tích.

Ông Trần Xuân Dẫn, Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông và PTNN công nghệ cao Bắc Ninh cho biết: So với tập quán canh tác của bà con trước đây thường lạm dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật hóa học đã làm đất bạc màu, cằn cỗi, môi trường bị ô nhiễm thì sản xuất lúa theo hướng hữu cơ góp phần bảo vệ môi trường giúp hệ sinh thái ruộng đồng dần hồi sinh và phát triển tốt. Để có kết quả đánh giá chính xác hơn nữa hiệu quả kinh tế của mô hình sản xuất lúa ST24 theo hướng hữu cơ, Trung tâm Khuyến nông và PTNN công nghệ cao Bắc Ninh sẽ tiếp tục triển khai mô hình ở vụ mùa 2021”.  

Nguyễn Văn Hiền

Trung tâm Khuyến nông và PTNNCNC Bắc Ninh