Xã Lạc Vệ, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh là địa phương có lợi thế và tiềm năng phát triển nuôi trồng thủy sản với diện tích mặt nước 89,8 ha, sản lượng ước đạt 538 tấn, giá trị 15 tỷ đồng. Trong những năm gần đây, các cấp chính quyền đã chỉ đạo quyết liệt việc phát triển thủy sản tập trung. Cuối năm 2017, có 9 hộ nuôi trồng thủy sản ở Lạc Vệ là những cơ sở nuôi trồng thủy sản đầu tiên của tỉnh được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện theo quy trình VietGAP. Đến nay có 15,5 ha diện tích nuôi trồng thủy sản của Lạc Vệ đã được cấp chứng nhận VietGAP.

Mô hình nuôi cá theo VietGAP tại thôn An Động, xã Lạc Vệ

Bắt đầu làm trang trại chăn nuôi, thủy sản từ năm 2006, gia đình anh Trần Văn Sơn, thôn An Động, xã Lạc Vệ có 1,4 ha mặt nước nuôi cá các loại gồm rô phi và chép. Sau nhiều năm nuôi cá theo phương pháp truyền thống, được Chi hội nghề cá thôn An Động vận động, sự hướng dẫn của Chi cục Thủy sản tỉnh và tham gia mô hình của Trung tâm Khuyến nông, năm 2017 anh đầu tư cải tạo lại ao và nguồn nước để chuyển sang nuôi cá theo quy trình VietGAP. Theo anh Sơn, với đa phần các hộ nuôi cá ở Lạc Vệ đã có kinh nghiệm thì việc áp dụng theo quy trình VietGAP cũng nhiều thuận lợi. Các hộ chỉ cần lập sổ ghi chép nhật ký nuôi trồng từ xuống giống, lượng thức ăn, phòng bệnh nhằm truy xuất nguồn gốc cá. Riêng anh Sơn, sau khi áp dụng quy trình VietGAP, việc quản lý chất lượng nguồn nước và phòng bệnh được chú ý hơn như tạo thêm hệ thống nước sạch để thực hiện phòng bệnh cho cá theo định kỳ 2 lần/tháng bằng các chế phẩm sinh học. Nhờ nuôi theo quy trình này, các ao nuôi hạn chế tối đa dịch bệnh, sản lượng cá gia đình anh tăng lên 10%, năm 2017 đạt khoảng 20 tấn cá, tăng 2 tấn cá so với năm 2016.

Đến nay, Chi hội tiếp tục hướng dẫn, tư vấn để có thêm 8 hộ thực hiện nuôi trồng thủy sản theo quy trình VietGAP. Để các hộ dân nắm rõ thêm về quy trình nuôi cá VietGAP, Chi cục thủy sản, Trung tâm Khuyến nông đã tổ chức các lớp tập huấn kiến thức về nuôi cá an toàn, kiểm tra và đề nghị cấp giấy chứng nhận cho những hộ đạt yêu cầu.

Theo ông Nguyễn Văn Đà, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã Lạc Vệ, đồng thời Chi hội trưởng Chi hội nghề cá thôn An Động cho biết: “Hiện nay, thị trường đang có nhu cầu rất cao đối với các sản phẩm an toàn, nguồn gốc rõ ràng. Chúng tôi đang tìm cách kết nối với các kênh tiêu thụ để có thể cung ứng cá VietGAP cho bếp ăn các trường học, công ty trên địa bàn. Trước mắt, xã sẽ khuyến khích các hộ nuôi cá theo quy trình VietGAP liên kết thành HTX để có đầu mối đứng ra lo đầu vào, đầu ra, chỉ đạo sản xuất gối vụ đáp ứng các đơn hàng bao tiêu sản phẩm. Về lâu dài địa phương rất cần sự hỗ trợ của các ngành chức năng, các hội đoàn thể về xúc tiến thương mại, tạo điều kiện về vốn vay ưu đãi để xoay vòng nuôi trồng”. Mong là, những giải pháp cụ thể để cung gặp cầu này sớm thực hiện, từ đó tạo động lực giúp người dân quyết tâm tập trung sản xuất thủy sản tạo ra sản phẩm đảm bảo chất lượng, an toàn cho người tiêu dùng.   

Có thể thấy, việc áp dụng quy trình VietGAP trong nuôi trồng thủy sản tại Lạc Vệ đã góp phần nâng cao nhận thức về sản xuất, tạo sản phẩm an toàn, giảm thiểu rủi ro dịch bệnh và tăng hiệu quả kinh tế cho người chăn nuôi. Ngoài ra áp dụng theo quy trình còn bảo vệ môi trường sinh thái và thuận tiện cho việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Việc này góp phần tạo niềm tin cho người tiêu dùng, giúp nhiều người có thể sử dụng thực phẩm sạch hằng ngày. Đây cũng là một cách hữu hiệu để đẩy lùi thực phẩm không an toàn trong thời gian tới.

                                                                             Nguyễn Công Cường

                                                                   Trung tâm Khuyến nông Bắc Ninh