Giống dưa lê siêu ngọt được sử dụng trong mô hình là giống F1 Ngân Huy (V0233) có nguồn gốc xuất xứ từ Đài Loan. Cây sinh trưởng khỏe, dạng trái đều, đẹp, khi chín quả chuyển sang màu trắng ngà, thịt quả giòn ngon và rất ngọt. Điểm khác biệt của mô hình là phân bón đầu trâu HCMK7 Hữu cơ Trichoderma +TE được đưa vào sử dụng để bón lót và bón thúc lần 1. Đây cũng là một trong những nguyên nhân chính giúp cho cây dưa sinh trưởng phát triển tốt, lá xanh bền, cành vươn dài, nhiều hoa, tăng khả năng đậu quả, nâng cao sức sống cây trồng, tăng năng suất và chất lượng quả đặc biệt hạn chế bệnh héo xanh và lở cổ rễ.

Tham gia mô hình các hộ dân được hỗ trợ 50% kinh phí mua hạt giống dưa lê, 50% lượng phân bón đầu trâu HCMK7 Hữu cơ Trichoderma +TE và ni lông phủ luống. Trung tâm còn cử cán bộ kỹ thuật xuống hướng dẫn cho người dân từ khâu ngâm ủ hạt giống, ươm, đưa ra ruộng đến cách chăm sóc, bón phân, phòng trừ sâu bệnh và thu hoạch dưa. Kết quả hầu hết các hộ tham gia mô hình đã trồng dưa với mật độ từ 500-550 cây/sào, thực hiện tốt các khâu chăm sóc, bón phân, kỹ thuật bấm ngọn… để các nhánh phát triển tự nhiên, cho quả to đẹp, bảo đảm màu sắc trắng ngà, không có vân xanh và không bị vàng quả.

Ông Nguyễn Văn Dũng thôn Hôm, xã Đào Viên cho biết: “Gia đình tôi đã trồng dưa lê được gần 5 năm, tôi thấy cây dưa lê rất dễ trồng, thời gian sinh trưởng ngắn nhưng hay bị bệnh lở cổ rễ giai đoạn cây con, nhất là trên những ruộng chuyên canh. Vụ xuân năm nay, được Trung tâm Khuyến nông và PTNN công nghệ cao hỗ trợ và hướng dẫn bón phân đầu trâu HCMK7 Hữu cơ Trichoderma +TE cho dưa, tôi thấy bệnh lở cổ rễ và héo xanh giảm rất nhiều. Không những thế cây dưa lê còn sinh trưởng phát triển tốt, nhiều hoa, quả nên năng suất dưa của gia đình tôi đạt khoảng 13,4 tấn/ha. Với giá bán trung bình 12.000 đồng/kg thì gia đình tôi cũng thu được khoảng hơn 120 triệu đồng/ha”.

Không chỉ ông Nguyễn Văn Dũng mà hầu hết các hộ trồng dưa lê siêu ngọt trong mô hình đều khẳng định việc thực hiện tốt quy trình kỹ thuật chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh giúp cây dưa sinh trưởng phát triển tốt, ít sâu bệnh nên sẽ tăng năng suất và chất lượng sản phẩm. Không những vậy mô hình trồng dưa lê siêu ngọt sử dụng phân bón đầu trâu HCMK7 Hữu cơ Trichoderma +TE còn sử dụng nilong phủ luống nên hạn chế rất nhiều cỏ dại và một số sinh vật gây hại.

Theo ông Đỗ Xuân Nghĩa, hộ tham gia mô hình với diện tích 1,5 ha cho biết, trồng dưa lê không khó nhưng để cây sinh trưởng phát triển tốt thì người dân ngoài chú trọng phân bón thì điều quan trọng là phải chú ý phòng trừ sâu bệnh, điều tiết nước và khi cây ra đủ 6-8 lá cần ngắt ngọn thường xuyên để cho quả sai, đều, đẹp.  

Tuy nhiên đại dịch Covid-19 xuất hiện trên toàn địa bàn tỉnh đã làm ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống kinh tế, xã hội, sản xuất kinh doanh của người dân nói chung và người trồng dưa nói riêng. Chia sẻ với chúng tôi, ông Đỗ Đình Tân thôn Liên Ấp, xã Việt Đoàn, huyện Tiên Du cho biết: “Gia đình tôi trồng 2,5 ha dưa lê siêu ngọt trong mô hình do Trung tâm Khuyến nông và PTNN công nghệ cao Bắc Ninh triển khai. Tôi thấy sử dụng phân bón đầu trâu HCMK7 Hữu cơ Trichoderma + TE không chỉ giúp cây sinh trưởng phát triển tốt, nhiều quả mà còn giảm sâu bệnh, quả có vị ngọt mát và thơm ngon. Đầu vụ các thương lái đến tận ruộng thu mua dưa cho tôi với giá 15.000 đồng/kg nhưng địa phương phải áp dụng giãn cách theo Chỉ thị 15,16 của Thủ tướng Chính phủ thì lượng tiêu thụ dưa của tôi không còn được nhiều nữa. Gia đình tôi đã huy động hết nguồn lực quảng bá sản phẩm trên các mạng xã hội như Facebook, Zalo... để bán hàng. Được sự ủng hộ của bạn bè và người dân địa phương, đến nay dưa lê của tôi cũng đã thu hoạch xong và bán hết. Sau khi trừ hết chi phí gia đình tôi cũng thu được khoảng 300 triệu đồng.”

Các hộ thực hiện mô hình thu hoạch dưa lê

 

Có thể thấy, việc triển khai mô hình trồng dưa lê siêu ngọt theo hướng an toàn sử dụng phân bón đầu trâu HCMK7 Hữu cơ Trichoderma +TE của Trung tâm Khuyến nông và PTNN công nghệ cao không chỉ giúp tăng chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh của sản phẩm mà còn góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi phương thức canh tác của người dân địa phương trong việc sản xuất bền vững, đảm bảo sản phẩm an toàn, góp phần bảo vệ môi trường, hệ sinh thái đồng ruộng.

Hồng Nhung

Trung tâm Khuyến nông và PTNNCNC Bắc Ninh