Từ vụ xuân năm 2016 đến nay, Trung tâm Khuyến nông Bắc Ninh đã tuyên truyền phổ biến, xây dựng một số mô hình hướng dẫn kỹ thuật nông dân tại một số địa phương trong tỉnh cấy lúa theo phương pháp hiệu ứng hàng biên nhằm theo dõi, đánh giá hiệu quả của phương pháp này và làm cơ sở tham mưu chỉ đạo nhân rộng diện tích trên địa bàn tỉnh. Qua ba vụ cấy lúa thử theo phương pháp hiệu ứng hàng biên, đến nay vụ xuân 2017 cả tỉnh có hơn 40 ha cấy theo phương pháp này, dự kiến vụ mùa 2017 nâng diện tích cấy lên trên 100 ha.

Cấy lúa theo phương pháp này có nghĩa cứ cấy hai hàng sông hẹp cách nhau khoảng 20 - 22 cm (khóm cách khóm cũng khoảng 20- 22 cm ) lại cấy một hàng sông rộng 40 - 42 cm. Với lúa lai cấy 15 - 16 khóm/m2, lúa thuần 18-20 khóm/m2 áp dụng cho cả hai vụ trong năm. Phương pháp này sẽ phát huy được hiệu ứng hàng biên là tận dụng ánh sáng chiếu trực tiếp vào gốc, thân, lá kích thích các chồi mắt phát triển nên lúa vừa đẻ sớm, đẻ khoẻ lại vừa ít sâu bệnh. Phân được bón theo hàng sông hẹp, tiết kiệm, hiệu suất cao, tăng ít nhất từ 10% sản lượng trở lên so với phương pháp cấy lúa truyền thống.

Theo ông Nguyễn Đăng Thể, tổ phó tổ hợp tác của thôn Ngô Xá, xã Phật Tích, huyện Tiên Du cho biết: Ở vụ mùa năm 2016 một số hộ trong thôn được sự hướng dẫn kỹ thuật của cán bộ Trung tâm Khuyến nông đã bắt đầu cấy thử theo phương pháp “hiệu ứng hàng biên”, đến nay ở vụ xuân 2017 vừa qua toàn thôn Ngô Xá đã cấy gần 30 ha theo phương pháp này. Qua 2 vụ  vừa qua ông nhận thấy cấy lúa theo phương pháp “hiệu ứng hàng biên” đã giúp giảm lượng giống gấp 2,5 lần, giảm công cấy 3 lần, giảm lượng phân bón và giảm được số lần sử dụng thuốc bảo vệ thực vật qua đó giảm được chi phí so với cấy thông thường. Do cấy mật độ thưa hơn nên cấy các giống đẻ nhánh tốt rất hiệu quả. Qua đó năng suất lúa toàn thôn tăng 8% so với vụ xuân năm 2016. Tuy nhiên trong thôn còn một số bà con chưa tuân thủ theo hướng dẫn kỹ thuật như khoảng cách cấy chưa chuẩn, chăm sóc không đúng tiến độ nên chưa cho được hiệu quả cao nhất.

Đại biểu thăm mô hình cấy lúa theo hiệu ứng hàng biên tại xã Quảng Phú, huyện Gia Bình

Đánh giá thực tiễn ở nhiều địa phương trong tỉnh trên các giống lúa khác nhau không khó để nhận ra sự khác biệt lớn giữa việc cấy lúa hàng biên so với cấy thông thường. Cấy lúa theo phương pháp “hiệu ứng hàng biên” có nhiều ưu điểm hết sức quan trọng đối với sản xuất lúa. Vì vậy trong thời gian tới đề nghị các ngành chức năng quan tâm hơn tới phương pháp này để tiếp tục mở rộng cấy thử nghiệm ở các địa phương khác và dùng các giống lúa khác nhau qua đó làm cơ sở định hướng sản xuất lúa của tỉnh Bắc Ninh trong những năm tới.

Nguyễn Công Cường

Trung tâm Khuyến nông Bắc Ninh