Ruộng lúa chuẩn bị thu hoạch tại xã An Bình Tây - Ba Tri - Bến Tre

Dự án thực hiện trong vụ hè thu với qui mô 60 ha, được bố trí tại địa bàn 2 xã An Bình Tây và Phú Lễ, huyện Ba Tri có 133 hộ nông dân tham gia. Thực hiện mô hình, nông dân được hỗ trợ 100% lúa giống (100 kg/ha), giống lúa được chọn là giống có chất lượng cao OM9921 và OM3673, cấp xác nhận, đồng thời được hỗ trợ 30% vật tư (phân bón và thuốc BVTV) với hình thức hỗ trợ không hoàn lại. Phần vật tư còn lại nông dân phải đối ứng để thực hiện theo đúng quy trình kỹ thuật.

Dự án đã chuyển giao đến nông dân kỹ thuật 3 giảm 3 tăng trong sản xuất lúa, các giải pháp trong canh tác lúa bền vững để giảm phát thải khí nhà kính như không đốt đồng, sạ thưa, bón phân cân đối NPK, tưới ngập khô xen kẽ, áp dụng quản lý dịch hại IPM trên đồng ruộng nhằm giảm chi phí đầu vào như: giảm lượng giống gieo sạ, giảm lượng phân đạm, giảm lượng thuốc BVTV, giảm công lao động nhằm giúp tăng lợi nhuận.

Với những kỹ thuật được chuyển giao trong dự án, nông dân đã nắm bắt và áp dụng vào sản xuất một cách đồng bộ và đạt kết quả khả quan, giúp giảm được chi phí và tăng lợi nhuận, cụ thể:

+ Gieo sạ 100 kg lúa giống/ha, đã giảm 40 - 50 kg/ha so với tập quán cũ, ruộng lúa thông thoáng, cây không bị che khuất, quang hợp phát triển tốt hơn giúp giảm phát thải khí cacbonic (CO2).

+ Sử dụng phân đạm căn cứ vào màu sắc của lá và tình trạng sinh trưởng của cây, lượng phân bón mô hình sử dụng 100 kg N - 75 kg P2O5 - 65 kg K2O đảm bảo sự cân đối NPK đã giúp cây sinh trưởng phát triển tốt, hạn chế sâu bệnh hại so với ruộng đối chứng đã sử dụng 125 kg N - 46 kg P2O5 - 50 kg K2O. Mô hình đã giảm 25 kg N/ha, giảm phát thải ôxit nitơ (NO2).

+ Áp dụng biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp IPM, thường xuyên thăm đồng để phát hiện và xử lý kịp thời các đối tượng dịch hại, sử dụng thuốc BVTV để phòng bệnh đúng kỹ thuật đã giảm 1 - 2 lần phun thuốc, tiết kiệm khoảng 20% tổng giá trị sử dụng so với ngoài mô hình, đồng thời bảo vệ môi trường và sức khỏe người lao động.

+ Chế độ nước tưới: áp dụng kỹ thuật tưới ngập khô xen kẽ, điều tiết nước phù hợp với từng giai đoạn phát triển của cây, không để mặt ruộng thường xuyên bị ngập nước, giúp giảm phát thải khí mêtan (CH4).

+ Hiệu quả đạt được: Năng suất đạt 6,06 tấn/ha, cao hơn ngoài mô hình 0,46 tấn/ha (6%), lợi nhuận đạt 13.091.000 đồng/ha, cao hơn đại trà 2.755.000 đồng/ha  (đạt 21%).

Ngoài ra, dự án đã hỗ trợ tổ chức một lớp tập huấn nhân rộng ngoài mô hình có 37 nông dân tham dự và 1 cuộc hội nghị tham quan có gần 100 nông dân ở các xã lân cận đến tham quan và trao đổi kỹ thuật 3 giảm 3 tăng và kỹ thuật trồng lúa SRI nhằm nâng cao hiệu quả và góp phần giảm phát thải khí nhà kính để đúc kết và chia sẽ kinh nghiệm giúp sản xuất đạt hiệu quả hơn.

Với kết quả đạt được của Dự án Áp dụng 3 giảm 3 tăng và kỹ thuật trồng lúa SRI nhằm nâng cao hiệu quả và góp phần giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất lúa đã góp phần nâng cao năng lực, trình độ canh tác của người nông dân, làm thay đổi nhận thức của người dân trong việc sạ thưa, sử dụng giống lúa chất lượng để bổ sung vào cơ cấu giống sản xuất tại địa phương, cũng như việc lạm dụng phân bón nhất là phân đạm, bón phân không cân đối NPK, sử dụng thuốc BVTV phòng ngừa sâu hại chưa đúng kỹ thuật, đốt đồng, dùng lúa thương phẩm để làm giống.

Những tiến bộ kỹ thuật mới của dự án đơn giản, dễ áp dụng vào sản xuất nên được nông dân đồng tình ứng dụng và thực hiện có hiệu quả. Tuy nhiên, để đảm bảo việc nhân rộng mô hình ra đại trà một cách rộng rãi thì cần chú ý thực hiện đồng bộ các giải pháp:

- Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, trong đó chú trọng việc phối hợp các đoàn thể, hệ thống chính quyền các cấp và trên phương tiện thông tin đại chúng.

- Các giải pháp kỹ thuật chuyển giao cần được tư vấn, hướng dẫn sâu rộng và hợp lý trên từng địa bàn một cách cụ thể.

- Tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân được tiếp cận tham quan, học hỏi và trao đổi tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất.

- Mỗi nông dân tham gia mô hình sẽ là một tuyên truyên viên hướng dẫn nông dân khác cùng làm theo, có như thế thì những tiến bộ kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất mới được phổ biến rộng rãi mọi người cùng tham gia nhằm thực hiện tốt mục tiêu phát triển nền nông nghiệp theo hướng an toàn bền vững./. 

Trương Thị Bình

                     Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Bến Tre