Để chủ động đối phó với biến đổi khí hậu, khắc phục tình trạng nắng hạn thiếu nước sản xuất, những năm qua ngành nông nghiệp tỉnh Bình Định đã thực hiện chủ trương tăng cường chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ, chuyển các diện tích đất lúa thiếu nước, sản xuất bấp bênh sang cây trồng cạn nhằm nâng cao giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích, tăng thu nhập cho người nông dân. Được sự hỗ trợ, chỉ đạo của Sở Nông nghiệp &PTNT, Trung tâm Khuyến nông Bình Định phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện An Lão triển khai thực hiện mô hình “Trồng thâm canh cây đậu xanh trên chân đất lúa chuyển đổi” tại xã An Tân, huyện An Lão với quy mô 02 ha, sử dụng giống đậu xanh ĐX208 .

Giống đậu xanh ĐX208 thích ứng với điều kiện tự nhiên tại xã An Tân, huyện An Lão, Bình Định

Sau hơn 2 tháng triển khai, Trung tâm Khuyến nông Bình Định đã tổ chức Hội thảo đánh giá kết quả mô hình. Tại Hội thảo cho thấy: Giống đậu xanh ĐX208 có khả năng chịu nóng tốt, chịu thâm canh, thích ứng với điều kiện đất đai và khí hậu; thời gian sinh trưởng ngắn; phù hợp với canh tác trên những vùng thiếu nước tưới; năng suất đạt 19,1 tạ/ha, lợi nhuận 26.865.000 đồng/ha.

Tại Hội thảo đa số đại biểu đều thống nhất cây đậu xanh là cây ngắn ngày, thời gian từ trồng đến khi thu hoạch khoảng 55 ngày, giảm áp lực lao động có tính mùa vụ sản xuất lúa; giảm lượng nước tưới; giá cả thị trường ổn định từ 28.000 – 30.000 đồng/kg; tạo việc làm, nâng cao hiệu quả kinh tế trên 1 đơn vị diện tích canh tác.

Thành công mô hình là cơ sở để một số địa phương có điều kiện tương tự học tập và nhân rộng mô hình ra trong toàn tỉnh./.

Nguyễn Cường

Trung tâm Khuyến nông Bình Định