Mục tiêu của mô hình là chuyển giao cho nông dân về kỹ thuật nuôi lươn thương phẩm nhằm giải quyết việc làm và góp phần nâng cao thu nhập cho hộ gia đình ở vùng nông thôn. Mô hình cũng nhằm góp phần đa dạng hóa các giống loài nuôi và ngành nghề nuôi trồng thủy sản trên toàn tỉnh. Thông qua mô hình tuyên truyền, phổ biến kỹ thuật nuôi, giúp cộng đồng người dân có thêm nghề mới, tăng thêm thu nhập.

Tại các mô hình, cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông Bình Định đã thực hiện chuyển giao kỹ thuật nuôi lươn không bùn cho bà con nông dân. Theo đó tại mỗi điểm mô hình, lươn được nuôi trong bể xi măng hoặc ao đất lót bạt nilon, quy mô mặt nước ao nuôi 20 m2; số lượng lươn giống thả nuôi 1.200 con. Các hộ nông dân trực tiếp tham gia được hỗ trợ 100% giống lươn và 40% vật tư thức ăn và thuốc phòng trị bệnh cho lươn; trong đó lươn giống được thả nuôi trong mô hình do Trung tâm Giống thủy sản tỉnh cung ứng.

Quy trình nuôi lươn trong bể không cần bùn rất đơn giản; bể nuôi lươn diện tích từ 10 - 20 m2 là phù hợp, dễ quản lý; dưới đáy bể có ống thoát nước, trên có gắn đường nước vào thuận lợi cho việc thay nước; có thể tận dụng bể chứa nước, chuồng nuôi heo không sử dụng hoặc ao đất lót bạt một góc vườn để nuôi lươn.

Thả lươn giống mô hình nuôi lươn trong bể xi măng tại huyện Hoài Ân (Ảnh: Thành Nguyên)

Kết quả các mô hình thực hiện bước đầu đã mang lại hiệu quả cao, lươn nuôi đạt tỷ lệ sống cao từ 75 - 95%, sau 6 tháng thả nuôi trọng lượng bình quân đạt từ 0,2 - 0,3 kg/con, năng suất ước đạt từ 8,1 - 13,5 kg/m2; các chỉ tiêu về kỹ thuật đều đạt và vượt so với yêu cầu đề ra. Sản lượng lươn nuôi tại các mô hình thu được: Hoài Ân 257,6 kg, Phù Mỹ 216 kg, An Nhơn 330 kg, Tây Sơn 349,2 kg, Vĩnh Thạnh 270 kg; Quy Nhơn 225 kg. Với giá lươn thời điểm hiện tại là 120.000 đồng/kg, lợi nhuận đạt từ 7,94 - 15,08 triệu đồng, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người nuôi.

Theo đánh giá của bà con nông dân, mô hình rất dễ thực hiện với quy mô hộ gia đình, không cần diện tích đất nhiều, vật liệu làm ao nuôi đơn giản, giá thành thấp, thời gian chăm sóc lươn không nhiều, tận dụng được nhiều nguồn thức ăn giá rẻ như cá vụn, ốc bươu vàng, cám gạo, các loại rau…

Kỹ sư Thái Bình Trọng - cán bộ kỹ thuật Trạm Khuyến nông Vĩnh Thạnh cho biết: Muốn lươn nhanh lớn, tỉ lệ sống cao, quan trọng nhất là lươn giống phải có xuất xứ rõ ràng, khỏe mạnh, kích cỡ đều. Nước sạch cũng là một yêu cầu quan trọng vì nếu nước bẩn, lươn sẽ bị mắc bệnh và chết. Cần cho lươn ăn đúng giờ, ngày 2 lần (sáng, tối). Lươn nuôi rất đơn giản, hầu như không bị bệnh, nếu có thường chỉ là bệnh ngoài da, bệnh ký sinh trùng hoặc đường tiêu hóa nhưng dễ điều trị.

Về vấn đề lươn giống, theo kỹ sư Trịnh Văn Minh - Trưởng trạm Khuyến nông Phù Mỹ thì đây là trở ngại chính để phát triển nhân rộng mô hình này; vì thực tế trong những năm trước đây một số hộ đã tự phát tự nuôi, nhưng nguồn lươn giống chủ yếu do rà bắt ngoài tự nhiên hoặc mua từ các tỉnh phía nam chất lượng giống kém, tỉ lệ nuôi sống thấp nên kết quả không ổn định.

Lươn thương phẩm (Ảnh: Thành Nguyên)

Ông Đỗ Minh Quang - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Bình Định cho biết: Hiện nay Trung tâm Giống thủy sản (Sở NN&PTNT) đã thực hiện thành công đề tài “Nghiên cứu thực nghiệm sinh sản nhân tạo, ương và nuôi thương phẩm lươn đồng tại Bình Định”. Cụ thể, trong sinh sản lươn đồng tỷ lệ thành thục lươn cái đạt 67,23%, tỷ lệ thành thục lươn đực đạt 90,43%, sinh sản chính vụ 50%. Kết quả ương lươn bột lên lươn hương tỷ lệ sống trung bình đạt 56,02%, khối lượng trung bình 0,3g/con; ương lươn hương lên giống cấp 1 có tỷ lệ sống 76,85%, khối lượng trung bình 4,2g/con và tỷ lệ sống đạt 80,87% đối với ương lươn giống cấp 1 lên cấp 2, khối lượng 15,29g/con. Đồng thời, xây dựng quy trình sinh sản, ương và nuôi thương phẩm lươn đồng tại Bình Định, mở ra hướng đi mới cho nghề nuôi thủy sản tại địa phương.

Bước đầu lươn giống do Trung tâm Giống thủy sản cung ứng giá còn cao nhưng qua thực hiện mô hình tỷ lệ lươn sống đạt cao và tăng trọng nhanh, lươn khỏe ít bị bệnh, do đó vẫn đem lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện, đề tài “Nghiên cứu thực nghiệm sinh sản nhân tạo, ương và nuôi thương phẩm lươn đồng” đã được Hội đồng Khoa học Công nghệ chuyên ngành tỉnh nghiệm thu cho phép đưa vào sản xuất, chắc chắn giá lươn giống sẽ thấp hơn tạo thuân lợi cho người nuôi.

Cùng với kết quả đạt được từ mô hình, khả năng nhân rộng mô hình sẽ có tính khả thi, trong thời gian tới Trung tâm Khuyến nông Bình Định sẽ đẩy mạnh khuyến cáo, hỗ trợ kỹ thuật giúp bà con nông dân phát triển nhân rộng mô hình này, tạo nghề nuôi mới nâng cao thu nhập cho người nuôi.

Phan Thanh Sơn - Thành Nguyên

Trung tâm Khuyến nông Bình Định