Tại thôn Thành Sơn Tây, xã Hoài Châu, mô hình thực hiện với quy mô 05 ha bằng giống lạc cao sản L14, có 50 hộ nông dân trực tiếp tham gia. Trên chân đất ruộng cát pha thịt nhẹ, sản xuất lúa 3 vụ/năm kém hiệu quả, giống lạc L14 được trồng ở vụ Hè thu trong điều kiện thời tiết nắng nông đã cho thấy khả năng chống chịu hạn, sinh trưởng và phát triển khá tốt, tỷ lệ nảy mầm, tỷ lệ cây sống đạt cao hơn 95%, tỷ lệ nhiễm bệnh chết ẻo, bệnh lở cổ rễ là không đáng kể.

Để thực hiện mô hình này, cùng với việc đầu tư hỗ trợ giống, các loại vật tư phục vụ sản xuất, Trung tâm Khuyến nông đã cử cán bộ kỹ thuật cùng Trạm Khuyến nông huyện tổ chức tập huấn giúp bà con nông dân nắm vững quy trình thâm canh sản xuất cây lạc trên chân đất lúa chuyển đổi, đầu tư chăm sóc, bón phân đúng quy trình kỹ thuật và theo dõi, phòng trừ sâu bệnh kịp thời nên cây lạc sinh trưởng khá tốt. Với thời gian sinh trưởng ở vụ Hè thu là 90 - 95 ngày, năng suất lạc trong mô hình đạt bình quân 28,5 tạ/ha, cao hơn ruộng nông dân ngoài mô hình 6,7 tạ/ha. Với giá bán lạc tại thời điểm hiện tại là 25.000 đồng/kg, mô hình cho thu nhập 50.260.000 đồng/ha, thu lãi 29.460.000 đồng/ha. So với trồng lúa trong cùng vụ thu nhập chỉ đạt 17.390.000 đồng/ha và mức lãi là 5.390.000 đồng/ha thì mô hình trồng lạc cho lợi nhuận cao hơn gần 5 lần.

Mô hình trồng lạc thâm canh trên chân đất lúa chuyển đổi tại xã Hoài Châu, huyện Hoài Nhơn

Tại Hội thảo tổng kết mô hình, sau khi tham quan thực tế đồng ruộng, hầu hết đại biểu đều đánh giá cao hiệu quả mô hình đã đạt được; bên cạnh hiệu quả về kinh tế giúp tăng thu nhập cho bà con nông dân, mô hình chuyển đổi trồng lạc ở vụ Hè thu nói riêng, cây trồng cạn nói chung còn tiết kiệm được nước tưới, cải tạo đất, cắt cầu nối sâu bệnh giữa 2 vụ lúa và giải quyết lao động nông nhàn tại địa phương. Tuy nhiên, theo bà con nông dân trực tiếp tham gia mô hình, trong quá trình thực hiện vẫn còn có một vài hộ chưa thật sự tin tưởng, chưa thực hiện theo quy trình hướng dẫn: tưới nước, bón phân chưa đúng thời điểm dẫn tới một số diện tích lạc bị chết, phát triển chưa đạt theo yêu cầu đề ra.

Theo ông Phan Thành Trương – Phó chủ tịch UBND xã Hoài Châu: Mô hình thực hiện thành công là tiền đề để Hoài Châu đẩy mạnh thực hiện chủ trương chuyển đổi diện tích sản xuất lúa 3 vụ/năm kém hiệu quả sang sản xuất 2 vụ lúa 1 vụ màu và tiến tới chuyển từ sản xuất 3 vụ sang 2 vụ/năm có hiệu quả cao hơn; phấn đấu đến năm 2020 đạt mức thu nhập bình quân hơn 100 triệu đồng/ha/năm. Xã đã có chủ trương quy hoạch đồng ruộng để thực hiện chuyển đổi theo từng vùng; tăng cường công tác vận động, hướng dẫn chỉ đạo bà con nông dân chuyển đổi sản xuất để đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

Còn theo ông Lê Văn Sang – Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bình Định: Để việc thực hiện chuyển đổi sản xuất thành công và bền vững, đối với xã Hoài Châu bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền kết quả đạt được từ mô hình này, chính quyền xã cũng cần tiến hành quy hoạch đồng ruộng, cải tạo hệ thống tưới tiêu, đảm bảo nguồn nước để phục vụ sản xuất; ngoài ra các Hội đoàn thể: Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên cũng cần chung tay phối hợp tăng cường vận động các hội viên của tổ chức mình tham gia thực hiện chuyển đổi để nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập, làm giàu chính đáng. Trung tâm Khuyến nông tỉnh sẽ tiếp tục cùng với phòng Kinh tế, Trạm Khuyến nông huyện Hoài Nhơn đẩy mạnh hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật cho bà con nông dân ở Hoài Châu và các địa phương trong huyện nhằm đẩy mạnh việc nhân rộng thực hiện chuyển đổi cây trồng cạn trên đất lúa kém hiệu quả theo chỉ đạo của tỉnh; góp phần thực hiện thành công chủ trương tái cơ cấu sản xuất ngành nông nghiệp.

Phan Thanh Sơn

Trung tâm Khuyến nông Bình Định