Trung tâm Khuyến nông Bình Thuận vừa tổ chức hội thảo nghiệm thu mô hình nuôi lươn thương phẩm tại xã Bình Thạnh, huyện Tuy Phong và xã Tân Phước, thị xã La Gi, với qui mô 170m2, có 3 hộ tham gia.

Để thực hiện mô hình, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã phối hợp cùng chính quyền địa phương tiến hành chọn hộ và tổ chức tập huấn kỹ thuật cho các hộ tham gia và bà con quan tâm tới mô hình; hỗ trợ 100% chi phí con giống và 30% vật tư thức ăn cho các hộ tham gia. Các hộ chủ yếu tận dụng chuồng lợn (heo) cũ chuyển đổi để nuôi lươn với phương thức nuôi trong bể.

Qua 8 tháng nuôi, tỷ lệ lươn sống đạt 82%, kích cỡ lươn tại thời điểm thu hoạch là 220g/con, sản lượng mô hình đạt 1.840 kg. Với giá bán lươn thịt 120.000 đồng/kg, cho doanh thu 220.800.000 đồng, trừ chi phí cho lợi nhuận 53.700.000 đồng/170m2. Chị Kinh Duy Lữ Thuy, cán bộ theo dõi mô hình tại huyện Tuy Phong cho biết: “Mô hình sử dụng lao động trong gia đình, tận dụng thời gian nhàn rỗi, vì vậy nếu không tính công chăm sóc, lợi nhuận tăng lên hơn 10 triệu đồng”.

Anh Nguyễn Hữu Thoát – hộ tham gia mô hình chia sẻ: Con lươn dễ nuôi, ít bị bệnh, không tốn nhiều thời gian chăm sóc, chỉ cần tranh thủ ban đêm cho ăn, buổi sáng vệ sinh chuồng nuôi là có thể làm công việc khác. Anh cho biết thêm, nếu nuôi lươn trong thời điểm ngư trường thuận lợi, nguồn cá tạp dồi dào thì hiệu quả kinh tế đem lại cao hơn nữa. Đây là ý kiến nhận đuợc nhiều sự đồng thuận cao của bà con nông dân tham gia hội thảo.

Như vậy, với đối tượng dễ nuôi như con lươn, tận dụng thời gian nhàn rỗi để chăm sóc, trong khi đó đầu ra ổn định sẽ tạo thêm thu nhập cho người dân. Đặc biệt mô hình nuôi lươn phù hợp với những địa phương ven biển, vì nguồn thức ăn cho lươn dễ kiếm, giá rẻ, nhất là vào vụ cá Nam có nguồn thức ăn dồi dào nên nông dân nuôi lươn sẽ có lãi cao. Mô hình nuôi lươn thương phẩm đã và đang được nhân rộng.

                                                                  Đỗ Khắc Thể