Người dân tham gia mô hình được tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng rừng, được phổ biến thông tin về lợi ích và giá trị kinh tế về rừng, đồng thời được tham quan thực địa một số cơ sở chế biến lâm sản ở địa phương. Người dân nơi đây “mặn mà” với cây mỡ hơn cây keo vì thân gỗ thẳng đẹp, giá bán cao hơn, trong khi khả năng tái sinh cao có thể khai thác thêm 1 đến 2 lần sau khi trồng nên nhiều hộ dân hưởng ứng tham gia trồng rừng.

Tại địa bàn xã Hà Trì, huyện Hòa An, mô hình trồng thí điểm cây mỡ trên diện tích 16 ha với 10 hộ tham gia. Qua 9 tháng trồng cây, tỷ lệ mọc đạt hơn 92%, chiều cao trung bình của cây khoảng 80cm, đường kính gốc trung bình 0,7cm, cây sinh trưởng  phát triển tốt.

Hộ gia đình chị Triệu Thị Hạnh ở xóm Khuổi Lừa, xã Hà Trì tham gia trồng cây mỡ với diện tích trên 1 ha. Từ khi được tham gia mô hình, gia đình chị đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật trong việc trồng rừng như cuốc hố, bón phân, chăm sóc cây – việc mà trước đây người dân chưa quan tâm.

Gia đình chị Hạnh cũng đã xác định được trồng rừng kinh tế phải có đầu tư mới mang lại hiệu quả. Chị Hạnh cho biết: "Tham gia mô hình, tôi đã rút ra được nhiều kinh nghiệm trong việc trồng rừng như đảm bảo cự ly và khoảng cách trồng, cuốc hố, bón phân… Sau này gia đình tôi sẽ cố gắng phát cỏ, chăm sóc để cây mọc tốt hơn, mang lại hiệu quả kinh tế, giúp gia đình nâng cao thu nhập".

Mô hình trồng cây mỡ sau một năm triển khai

 

Hiện nay trên địa bàn toàn tỉnh, dự án trồng cây mỡ đã triển khai được 72 ha tại 3 huyện Thạch An, Hòa An và thành phố Cao Bằng. Mục tiêu mà dự án là chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân về áp dụng kỹ thuật trồng rừng thâm canh cây gỗ lớn, đặc biệt là phổ biến cách trồng cây theo hàng, trồng đúng mật độ, khoảng cách, bón phân, chăm sóc cây thường xuyên từng bước mở rộng diện tích và phát triển rừng theo hướng bền vững, hiệu quả góp phần tạo nguồn nguyên liệu gỗ từ rừng, tăng nguồn thu nhập cho người dân.

Để các dự án trồng rừng thành công cũng như thực hiện hoàn thành chỉ tiêu trồng rừng sản xuất hàng năm, các cấp, các ngành cần quan tâm và thực hiện tốt quy hoạch, kế hoạch trồng rừng, tăng cường kiểm tra giám sát về tiến độ triển khai, thực hiện đồng bộ các cơ chế chính sách khuyến khích về phát triển trồng rừng nhất là vấn đề giải ngân kinh phí hỗ trợ trồng rừng. Có như vậy các chương trình trồng rừng mới đem lại hiệu quả, lợi ích thiết thực góp phần tăng trưởng kinh tế lâm nghiệp, phủ xanh đất trống đồi trọc, giảm xói mòn rửa, trôi đất, bảo vệ môi trường sinh thái.

Kết quả bước đầu của dự án trồng rừng gỗ lớn mọc nhanh tại địa bàn Thạch An, Hòa An và thành phố Cao Bằng đang dần thay đổi nếp nghĩ, cách làm của người dân góp phần thúc đẩy sản xuất lâm nghiệp phát triển bền vững, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Lệ Quyên 

Trung tâm khuyến nông Cao Bằng