Tín hiệu vui từ công tác thử nghiệm giống bò BBB

Con giống được coi là vị trí then chốt cho cả quá trình phát triển chăn nuôi, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào thụ tinh nhân tạo cho bò cái sinh sản nhằm nâng cao chất lượng con giống. Để có những khuyến cáo cho bà con chăn nuôi khi ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất thực tế ở địa phương, năm 2016, Trung tâm Khuyến nông Đắk Lắk đã đưa vào thử nghiệm 60 cọng tinh bò thịt chất lượng cao BBB tại huyện Ea Kar và thành phố Buôn Ma Thuột.

Qua 2 năm triển khai, việc thử nghiệm đã có những đánh giá nhất định: Tỷ lệ bò cái được phối đã mang thai đạt 70%, bê lai sơ sinh đạt trọng lượng 33-35 kg/con cao hơn hẳn các giống bò thịt khác, bê lai sinh ra khỏe mạnh, tạp ăn, nhanh lớn, thích nghi tốt với điều kiện khí hậu ở địa phương. Từ kết quả bước đầu, nhận thấy đây là giống bò thịt có chất lượng tốt có thể áp dụng rộng rãi trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, sử dụng tinh bò BBB để lai tạo giống thì bà con cần phải lựa chọn những con bò cái nền có tầm vóc và khả năng sinh lý sinh sản tốt, chăm sóc nuôi dưỡng theo đúng yêu cầu kỹ thuật mới tạo ra đàn bê lai có chất lượng cao. Đây có thể xem là bước tiến nhằm nâng cao năng suất và chất lượng đàn bò, mở ra hướng đi mới trong việc phát triển đàn bò có giá trị kinh tế cao của tỉnh Đắk Lắk trong thời gian tới.

Ngoài ra, năm 2017, chương trình thụ tinh nhân tạo cho bò đã đạt được những kết quả tốt: có 5.672 con bò cái được thụ tinh nhân tạo với các giống bò thịt chất lượng cao (Droughmaster, Red angus, Brahman, BBB), 4.884 con bò cái mang thai đạt tỷ lệ thụ thai 83,17%, bê lai sinh ra có ngoại hình đẹp, sinh trưởng phát triển tốt, tỷ lệ nuôi sống cao.

 

Bê lai BBB của gia đình bà H’Mắt Niê tại buôn Ea Bông - xã Cư ÊBur - TP BMT

 Nhiều khó khăn thách thức

Bên cạnh những thành tích đạt được, chương trình vẫn còn một số hạn chế, tồn tại như: Đa số bà con nông dân chăn nuôi dựa theo kinh nghiệm là chính, ngại thay đổi tập quán chăn nuôi nên gây ra nhiều khó khăn trong hoạt động chuyển giao tiến bộ kỹ thuật; Số lượng đàn bò tăng về số lượng và chất lượng nhưng lại phân bố không đồng đều giữa các vùng (vùng có điều kiện giao thông thuận lợi so với vùng sâu, vùng xa và đồng bào dân tộc thiểu số), số lượng bò cái nền đủ tiêu chuẩn dùng để lai tạo với các giống bò chất lượng cao chưa nhiều,…

Do vậy, công tác tuyên truyền vận động bà con tham gia chương trình để làm thay đổi suy nghĩ, tập quán chăn nuôi bò từ việc sử dụng những bò đực giống chất lượng thấp chuyển sang phương pháp thụ tinh nhân tạo, cải tạo chất lượng giống bò địa phương bằng những giống bò thịt có năng suất và chất lượng cao phải được thực hiện liên tục trong một thời gian dài. Để thực hiện điều đó, cần đào tạo đội ngũ dẫn tinh viên tận tâm với nghề, có kiến thức sâu rộng, hiểu được tập quán của người chăn nuôi, có đạo đức nghề nghiệp… Bên cạnh đó, sự quan tâm hỗ trợ kinh phí của Nhà nước, sự tham gia của các nhà khoa học, doanh nghiệp là điều cần thiết để giúp chương trình ngày càng phát triển sâu rộng hơn, xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm tạo thương hiệu giúp nghề chăn nuôi đại gia súc của tỉnh Đắk Lắk ngày càng phát triển ổn định theo hướng sản xuất hàng hóa.

Cao Phúc

Trung tâm Khuyến nông tỉnh Đắk Lắk