Năm 2017, mô hình cải tạo chất lượng đàn bò địa phương bằng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo thuộc dự án “Xây dựng mô hình cải tạo chất lượng đàn bò địa phương bằng kỹ thuật TTNT và vỗ béo bò thịt để đạt năng suất, chất lượng hiệu quả cao tại các vùng chăn nuôi chính” được Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và Trung tâm Khuyến nông tỉnh Đắk Lắk tổ chức triển khai thực hiện tại 2 huyện Ea Kar và huyện Krông Bông.

Công tác lựa chọn địa điểm thực hiện mô hình phải phù hợp với quy hoạch và định hướng phát triển chăn nuôi của tỉnh Đắk Lắk. Các hộ nông dân tham gia mô hình phải là nông dân sản xuất nhỏ, có kinh nghiệm chăn nuôi bò, có bò cái nền để tham gia cải tạo, có điều kiện và nhiệt tình tiếp nhận chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, có vốn đối ứng, có nguồn lao động để tham gia mô hình....

Theo đó, mô hình có quy mô 145 con bò cái nền của 70 hộ tham gia mô hình tại 2 xã Ea Sar - huyện Ea Kar và xã Hòa Sơn - huyện Krông Bông được nhà nước hỗ trợ thụ tinh nhân tạo giống bò Brahman đỏ có nguồn gốc từ Mỹ và 50% thức ăn hỗn hợp để chăm sóc bò cái mang thai.

Ngoài các vật tư được nhà nước hỗ trợ, nhằm trang bị cho bà con những kiến thức cần thiết về cải tạo chất lượng đàn bò bằng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Đắk Lắk tổ chức 4 lớp tập huấn cho 100 lượt người tham gia với những nội dung bám sát với thực tế sản xuất của bà con: quy trình chăm sóc, quản lý bò, kỹ thuật phát hiện động dục, xác định thời điểm phối giống thích hợp đẻ có tỷ lệ thụ thai cao, kỹ thuật thụ tinh nhân tạo bằng tinh cọng rạ, ghi chép và quản lý số liệu thụ tinh nhân tạo. Bên cạnh đó, bà con được trực tiếp nhận xét và trao đổi, học hỏi lẫn nhau về kỹ thuật phát hiện động dục và thụ tinh nhân tạo cho bò từ đó rút kinh nghiệm để thực hiện đạt hiệu quả cao.

Qua hơn 7 tháng triển khai, đến nay đã có 124 con bò cái được phối, tỷ lệ mang thai đạt 85%. Để hỗ trợ bà con chăn nuôi chăm sóc tốt bò cái trong giai đoạn mang thai, vừa qua, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Đắk Lắk phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện Krông Bông và Ea Kar cùng chính quyền địa phương tiến hành hỗ trợ đợt 1 với 7.700 kg thức ăn hỗn hợp cho 106 con bò của 65/70 hộ tham gia mô hình.

Mô hình này không chỉ giúp bà con tiếp cận được tiến bộ khoa học kỹ thuật mà còn làm thay đổi thói quen và tập quán chăn nuôi, biết cách ghi chép nhật ký, quản lý tài chính để hạch toán kinh tế.

Trong thời gian tới, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Đắk Lắk tiếp tục triển khai các hạng mục còn lại của dự án, đặc biệt là công tác hướng dẫn bà con theo dõi phát hiện kịp thời bò cái động dục để phối giống hiệu quả cho 100% bò cái tham gia mô hình, chăm sóc nuôi dưỡng bò cái mang thai.... Việc theo dõi, triển khai thực hiện tốt mô hình là cơ sở để đánh giá được hiệu quả, tác động của dự án, tuyên truyền nhân rộng giúp bà con chăn nuôi trên địa bàn tỉnh học tập và áp dụng vào thực tế sản xuất của gia đình nhằm nâng cao chất lượng đàn bò để thúc đẩy ngành chăn nuôi bò của tỉnh Đắk Lắk hướng tới sản xuất hàng hóa và bền vững.

                                                                                  Cao Phúc

Trung tâm Khuyến nông Đắk Lắk