Theo số liệu niên giám thống kê 2016 thì tổng diện tích cà phê của tỉnh là 123.568 ha, tập trung chủ yếu là huyện Đắk Song (22.694 ha), Đắk Mil (20.706 ha), Tuy Đức (18.454 ha), Đắk Rlấp (17.632 ha) trong đó có 109.891 ha đang trong giai đoạn kinh doanh, năng suất trung bình là 2,8 tấn/ha. So với năng suất trung bình của những năm trước thì năng suất có tăng lên nhưng không đáng kể. Trong thời gian qua đã có nhiều tiến bộ kỹ thuật được các nhà khoa học, các cơ quan ban ngành phổ biến cho bà con nông dân để ứng dụng trong sản xuất cà phê đã cho hiệu quả kinh tế cao. Một số mô hình điển hình như:

- Mô hình sử dụng bộ giống mới để ghép cải tạo là một biện pháp tác động kỹ thuật nhằm tăng năng suất chất lượng sản phẩm cà phê. Thông qua các mô hình trình diễn, các lớp tập huấn do hệ thống khuyến nông và các tổ chức chuyển giao, đến nay đa số người dân đã sử dụng các giống mới để ghép cải tạo nhằm trẻ hóa lại vườn cây. Giống ghép chủ yếu là TR4, Thiện Trường và giống cà phê Giây (giống địa phương – Thuận An – Đăk Mil). Việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật đã đem lại năng suất cao hơn sản xuất đại trà từ 2-4 tấn/ha, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động tại địa phương và các địa phương khác có nhu cầu (40-80 công/ha). Cụ thể:

+ Hộ ông Ngô Văn Việt tại thôn Đăk Rtăng, Quảng Tân, Tuy Đức, với quy mô 1,2 ha, sử dụng giống TR4 để ghép cải tạo. Đến nay vườn cây đã cho năng suất ổn định 8 tấn cà phê nhân/ha/năm. Sau khi trừ các khoản chi phí thì lợi nhuận thu về khoảng 200 triệu đồng/ha/năm.

+ Hộ ông Nguyễn Quốc Tráng, quy mô 3ha sử dụng giống cà phê dây tại thôn Thuận Nam – Thuận An. Đến nay năng suất trung bình đạt 6 tấn/ha, lợi nhuận thu về từ 160 triệu đồng/ha/năm sau khi trừ các khoản chi phí đầu tư, công và chi phí khác.

+ Hộ ông Nguyễn Dũng tại thôn 12, xã Nhân Cơ với quy mô 1,5 ha, năng suất 2 tấn nhân/ha. Trước thực tế đó ông tìm hiểu và chọn giống Thiện Trường (Công ty TNHH Trường Sơn) để ghép cải toàn toàn bộ diện tích. Sau khi ghép 18 tháng thì cà phê bắt đầu cho bói và bước sang năm thứ 3 vườn cây bước vào kinh doanh. Năng suất ổn định trung bình 5 tấn nhân/ha/năm, sau khi trừ chi phí lãi ròng 140 triệu đồng/năm/ha.

- Mô hình ứng dụng các biện pháp kỹ thuật tiên tiến được tác động song song nhằm tăng năng suất, tăng hiệu quả kinh tế trên đơn vị sản xuất cà phê. Hiện nay do nhu cầu ngày một tăng nhiều mô hình ứng dụng các biện pháp thâm canh để tăng năng suất như sử dụng phân hữu cơ kết hợp với các chế phẩm sinh học để bón, tỉa cành, tạo tán thông thoáng, hợp lý, trồng cây che bóng, hạn chế sử dụng thuốc BVTV và tuyệt đối không sử dụng thuốc trừ cỏ. Các mô hình áp dụng biện pháp này đã cung cấp một phần dinh dưỡng cho cây và cung cấp nguồn hữu cơ, tạo độ tơi xốp, hạn chế xói mòn rửa trôi, cung cấp các vi sinh vật có lợi cho đất, bảo vệ môi trường sinh thái… và cho năng suất cao, ổn định hơn so với các mô hình sản xuất truyền thống là 1-2 tấn/ha. Một số hộ áp dụng thành công biện pháp này là:

+ Hộ ông Nguyễn Văn Bạn tại thôn 5, Quảng Trực, Tuy Đức có 1,2 ha cà phê hàng năm sử dụng 20 m3 phân chuồng (bò) hoai mục để bón. Phân hóa học sử dụng rất hạn chế, do đó chi phí đầu tư chủ yếu là do phân hữu cơ nhưng năng suất hàng năm vẫn ổn định 6 tấn/ha. Tổng chi cho 1 ha là 100-120 triệu/ha. Lơi nhuận thu về 170 triệu/ha/năm.

+ Hộ ông Trần Có trú tại thôn 6 xã Nhân Đạo, với quy mô 1,4 ha, sử dụng các biện pháp như trồng cây che bóng, tỉa cành tạo tán hợp lý, không sử dụng thuốc diệt cỏ… Qua theo dõi hàng năm thì vườn cây đã cho năng suất ổn định 7 tấn cà phê nhân/ha/năm. Sau khi trừ các khoản chi phí thì lợi nhuận thu về đạt từ 190 triệu đồng/ha/năm.

+ Hộ ông Nguyễn Văn Thắng ở thôn Đăk Suôn, Quảng Tân, Tuy Đức tham gia chương trình sản xuất cà phê bền vững được cấp Giấy chứng nhận 4C, ngoài việc nắm vững khoa học kỹ thuật để áp dụng vào sản xuất thì khi bán sảm phẩm được cộng thưởng 200-300 đồng/kg. Với năng suất trung bình 6 tấn nhân/ha, sau khi trừ chi phí thì thu lãi 172,8 triệu đồng/ha.

Như vậy, để các mô hình canh tác cà phê cho năng suất cao, chất lượng tốt và ổn định thì người trồng cà phê phải ưu tiên và chú trọng về khâu chọn giống và biện pháp canh tác. Nếu mọi nhà sản xuất cà phê đều mạnh dạn tái canh, cải tạo những vườn cà phê già cỗi cho năng suất thấp, bằng những giống cà phê mới có năng suất cao, áp dụng các biệp pháp thâm canh thì trong thời gian tới sản lượng và chất lượng cà phê của toàn tỉnh sẽ được nâng cao, từ đó tăng được GDP của tỉnh góp phần vào nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Trên địa bàn tỉnh hiện nay có rất nhiều mô hình đã áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất cà phê đạt hiệu quả kinh tế cao, tăng năng suất chất lượng cà phê. Trên đây chỉ là những mô hình điểm, tiêu biểu là địa chỉ để bà con nông dân tham quan học tập. Nếu trên mỗi thôn, bon, bản có những hộ dân chịu khó tìm tòi, học tập và áp dụng trên chính mảnh đất của gia đình thì cũng là động lực lớn cho người dân xung quanh học tập. Có như vậy năng suất cây trồng nói chung và cây cà phê nói riêng mới được nâng cao, từ đó góp phần thay đổi về mọi mặt của một tỉnh còn nghèo như tỉnh Đắk Nông.

Nguyễn Thị Thảo

Trung tâm Khuyến nông Đăk Nông