Mô hình được triển khai tại xã Tân Thành, Nâm Nung, huyện Krông Nô với quy mô 10 ha/10 hộ tham gia, các hộ tham gia được hỗ trợ 45% tổng số các loại vật tư phân bón, thuốc BVTV, được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn kỹ thuật sản xuất theo định kỳ. Kết quả sau 7 tháng triển khai vườn cà phê sinh trưởng và phát triển tốt, lá có màu xanh đậm, phiến lá dày, cành dữ trữ đảm bảo năng suất cho vụ sau; năng suất trung bình đạt 3,5 tấn/ha; lợi nhuận đạt trên 75 triệu đồng/ha và tăng 15,6 % so với mô hình đối chứng.

Sự khác biệt lớn nhất mô hình sản xuất cà phê theo hướng hữu có liên kết tiêu thụ sản phẩm là tuyệt đối không sử dụng thuốc trừ cỏ, 100% sản phẩm làm ra được bao tiêu với giá cao hơn thị trường tùy theo từng loại. Đối với cà phê quả tươi có giá cao hơn thị trường 1.000 đồng/kg; đối với nhân chế biến ướt cao hơn thị trường 12.000 đồng/kg; đối với nhân xô cao hơn trị trường 300 đồng/kg. Như vậy mô hình bước đầu đã làm thay đổi tư duy sản xuất của người nông dân hướng đến một nền nông nghiệp tốt, nông nghiệp sạch, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, giúp tăng năng suất chất lượng cây trồng, tăng giá trị sản phẩm, từng bước nâng cao thu nhập cho người trồng cà phê trên địa bàn tỉnh góp phần ổn định cuộc sống.

 Mô hình đi đúng hướng và đúng xu thế phát triển với thị hiếu người tiêu dùng hiện nay

 

Ông Nguyễn Văn Anh - hộ dân thực hiện mô hình sản xuất cà phê theo hướng hữu cơ tại xã Nâm Nung cho biết: Khi tham gia mô hình ông được cán bộ khuyến nông hướng dẫn kỹ thuật, được hỗ trợ vật tư, được tham gia nhóm liên kết. Ông và gia đình đã có sự thay đổi về mặt nhận thức trong vấn đề canh tác cà phê; từ việc làm theo kinh nghiệm, lạm dụng hóa chất thuốc BVTV chuyển sang sản xuất có trách nhiệm, ưu tiên sử dụng các loại vật tư nông nghiệp có nguồn gốc hữu cơ, sinh học, không sử dụng thuốc trừ cỏ để góp phần bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe của cộng đồng; từ việc sản xuất nhỏ lẻ, mạnh ai người đó làm chuyển sang hình thức sản xuất có liên kết tiêu thụ sản phẩm; từ việc sản xuất thiếu an toàn chuyển sang hình thức an toàn do đó bảo vệ được sức khỏe và nâng cao được hiệu quả kinh tế cho gia đình.

Như vậy việc triển khai mô hình sản xuất cà phê theo hướng hữu cơ có truy xuất nguồn gốc và liên kết theo chuỗi giá trị được Trung tâm Khuyến nông tỉnh thực hiện tại xã Tân Thành, Nâm Nung huyện Krông Nô sẽ giúp người trồng cà phê theo hướng nông nghiệp tốt tạo kết nối chuỗi giá trị sản xuất và tiêu thụ nông sản bền vững trong nông dân, ứng dụng rộng rãi khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp nhằm giành những vụ mùa bội thu tạo sản phẩm hàng hóa chất lượng cung ứng thị trường. Mô hình sản xuất cà phê theo hướng hữu cơ đi đúng hướng và đúng xu thế phát triển với thị hiếu người tiêu dùng hiện nay cũng như nhu cầu canh tác của các nông hộ theo chiều hướng hạn chế sử dụng hóa chất, thiên về sử dụng các nguyên liệu tái tạo như sử dụng vỏ cà phê kết hợp với các chủng vi sinh vật ủ hoai để bón lại cung cấp lại cho đất một lượng hữu cơ, cũng như các vi sinh vật có lợi giúp cân bằng hệ sinh thái đồng ruộng.

Nguyễn Thị Thảo

Trung tâm Khuyến nông Đắk Nông