Diện tích cây cà phê chiếm gần 40% diện tích đất sản xuất nông nghiệp và 70% trong cơ cấu cây công nghiệp lâu năm, đóng góp phần lớn trong cơ cấu kinh tế nói chung và trong ngành nông nghiệp nói riêng. Tuy nhiên, theo số liệu thống kê của Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn cho thấy diện tích cà phê trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 của các hộ dân cần được tái canh khoảng 24.658 ha, trong đó: diện tích cà phê >30 năm tuổi là 586 ha, >25 năm là 1.969 ha, >20 năm là 5.568 ha và trên 15 năm là 16.553 ha.

Việc thực hiện tái canh cây cà phê nhằm “trẻ hóa” vườn cây là hết sức cần thiết và cấp bách vì sự phát triển bền vững của ngành cà phê Đắk Nông nói riêng và của ngành cà phê Việt Nam nói chung. Chính vì thế, từ nguồn kinh phí của Dự án VnSAT tỉnh Đăk Nông, từ tháng 3/2018 đến nay, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Đắk Nông đã triển khai “Thành lập các điểm trình diễn tái canh cà phê bền vững thuộc Hợp phần C của Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam tỉnh Đăk Nông” trên địa bàn các huyện, thị xã thuộc vùng Dự án.

Tham quan mô hình tái canh cây cà phê

Nhằm đánh giá lại kết quả các điểm trình diễn đã đạt được sau 01 năm triển khai thực hiện; chia sẻ điểm mạnh, điểm yếu, những cơ hội và thách thức; giúp bà con nông dân trên địa bàn có cơ hội thăm quan điểm trình diễn, chia sẻ trao đổi kỹ thuật cũng như vấn đề trong tái canh cà phê; chuyển giao, giới thiệu tiến bộ khoa học kỹ thuật về quy trình tái canh cà phê cho bà con nông dân, từ ngày 17-31/10/2018 Trung tâm Khuyến nông tỉnh kết hợp với chính quyền địa phương tổ chức 19 cuộc hội thảo tổng kết mô hình tại huyện Krông Nô, Đắk Mil, Đắk Song, Đắk Glong, Đắk Rlấp và thị xã Gia Nghĩa. Kết quả có 570 người tham gia, trong đó dân tộc thiểu số 109 người, nữ 295 người. Về hiện trạng mô hình tái canh thì các mô hình có tỷ lệ sống >97%, cây sinh trưởng và phát triển tốt, chiều cao cây trung bình 60cm, đường kính thân 7-8mm, đường kính tán 45-60cm và có 6-7 cặp cành.

Theo ông Trần Nguyên Long, Phó Chủ tịch UBND xã Đắk Lao chia sẻ, trong năm 2018 mùa mưa kéo dài, liên tục ảnh hưởng lớn đến sự sinh trưởng và phát triển của cây cà phê, nhất là cà phê trồng mới. Tuy nhiên kết quả đạt được của mô hình rất khả thi do chủ hộ thực hiện tốt quy trình tái canh của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Hy vọng đây là điểm trình diễn cho bà con nông dân tham quan học tập và nhân rộng mô hình.

Theo ông Phạm Văn Nhanh, đại diện hộ thực hiện mô hình tại xã Đắk Ru, huyện Đắk Rlấp, gia đình ông được chọn làm mô hình điểm, được hỗ trợ 100% về cây giống và 50% vật tư, được hướng dẫn kỹ thuật tận tình. Ông đã nghiêm túc thực hiện đúng quy trình kỹ thuật để mô hình đảm bảo tỷ lệ sống, sinh trưởng và phát triển tốt và làm điểm cho các hộ học tập, làm theo.

Có thể khẳng định rằng, tái canh cà phê bền vững sẽ góp phần tăng hiệu quả kinh tế, bảo vệ môi trường sống và đặc biệt là nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống cho người dân. Hiện nay vấn đề tái canh được các cấp, ngành liên quan của tỉnh Đắk Nông quan tâm, đặc biệt là chính quyền địa phương các xã phường trong việc vận động người dân thực hiện tốt quy trình tái canh.

Nguyễn Thị Thảo

Trung tâm Khuyến nông tỉnh Đắk Nông