Tình trạng sử dụng thuốc diệt cỏ còn nhiều, thuốc bảo vệ thực vật phun theo định kỳ, chưa biết phân biệt các loại thuốc hạn chế sử dụng và cấm sử dụng, chưa có thói quen ghi chép sổ nhật ký nông hộ để hoạch toán hiệu quả kinh tế, các loại bao bì, chai lọ khi sử dụng xong thì không thu gom xử lý mà bỏ ra vườn…

Từ những thực trạng đó bằng nguồn kinh phí của Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Đắk Nông đã triển khai xây dựng mô hình trình diễn sản xuất cà phê bền vững trên địa bàn các huyện, thị xã với mục đích giúp bà con nông dân tại địa phương thay đổi tập quán canh tác cà phê theo phương thức cũ chuyển sang canh tác cà phê theo hướng bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái, nâng cao hiệu quả kinh tế ổn định cuộc sống cho người trồng cà phê.

Để đánh giá lại kết quả đạt được, từ ngày 18-22/6/2018, Trung tâm Khuyến nông Đắk Nông đã tổ chức 10 cuộc hội thảo tổng kết các điểm trình diễn sản xuất cà phê bền vững tại 10 hộ dân trên địa bàn 4 huyện, thị xã (Đắk Rlấp: 4 cuộc; Gia Nghĩa: 01 cuộc; Đắk Song: 01 cuộc; Đắk Mil: 4 cuộc). Kết quả có 296 hộ dân tham gia, trong đó có 149 nữ (chiếm 50,3%); 14 dân tộc thiểu số (chiếm 4,7%). Thông qua các cuộc hội thảo, mặc dù là chưa tính được năng suất nhưng người tham gia được tận mắt nhìn thấy các điểm trình diễn thực hiện đúng quy trình, vườn cây xanh tốt, tỉa cành tạo tán hợp lý, do đó hạn chế được sâu bệnh gây hại.

Nông dân tham quan mô hình trình diễn sản xuất cà phê bền vững

Theo bà Nguyễn Thị Tú, hộ thực hiện mô hình tại Gia Nghĩa thì việc tham gia mô hình đã nâng cao được nhận thức cho người dân thông qua các cuộc kiểm tra, hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật. Đặc biệt là biết cách ghi chép sổ nhật ký nông hộ để hoạch toán kinh tế từ đó có kế hoạch cho năm sau.

Theo ông Lưu Như Bính, Giám đốc Hợp tác xã Đoàn Kết tại xã Nam Bình, huyện Đắk Song thì việc thành lập các điểm trình diễn sản xuất cà phê bền vững đã góp phần nâng cao nhận thức cho người trồng cà phê. Tình trạng sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật được người dân lựa chọn phù hợp, đúng loại thuốc. Việc bón phân được người dân thực hiện đúng kỹ thuật, đảm bảo đúng tỷ lệ, đúng thời điểm do đó tỷ lệ tươi/nhân thấp.

Có thể khẳng định rằng, sản xuất cà phê bền vững sẽ tăng hiệu quả kinh tế, bảo vệ môi trường sống và đặc biệt là nâng cao thu nhập ổn định cuộc sống cho người dân. Canh tác cà phê bền vững đã làm giảm lượng thuốc BVTV và phân bón tồn dư trong môi trường, góp phần cân bằng sinh thái, bảo tồn nguồn tài nguyên thiên nhiên, hạn chế sự phát triển của một số loại bệnh hại nguy hiểm. Tăng chất lượng sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm cà phê trên thị trường thế giới.

Nguyễn Thị Thảo

Trung tâm Khuyến nông tỉnh Đắk Nông